Cụ thể, căn cứ Thông báo số 370/TB-UBND ngày 26/9/2016 và Thông báo số 498/TB-UBND ngày 13/12/2016, về kết luận của tập thể UBND TP Hà Nội tại các cuộc họp nghe báo cáo chủ trương đầu tư xây dựng bến xe khách Thanh Trì kết hợp bãi đỗ xe và trung tâm dịch vụ sửa chữa tại phường Trần Phú (Hoàng Mai); Xét đề nghị của Công ty CP Bến xe Thanh Trì ngày 14/10/2016 về đề xuất đầu tư xây dựng dự án bến xe khách Yên Sở kết hợp bãi đỗ xe và trung tâm dịch vụ sửa chữa tại phường Yên Sở (Hoàng Mai)... UBND TP Hà Nội quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty CP Bến xe Thanh Trì (địa chỉ số 1199, đường Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai). Tên dự án đầu tư: "Xây dựng bến xe khách Yên Sở" nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Mục tiêu đầu tư: "Xây dựng bến xe khách liên tỉnh kết hợp bãi đỗ xe, góp phần hoàn chỉnh, đồng bộ quy hoạch kiến trúc - hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị. Ngoài ra, khi hoàn thiện sẽ góp phần hình thành mạng lưới bến xe khách đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận".
Dù không thi công nhưng trước cửa dự án bến xe Yên Sở lại treo tấm bảng: "Công trường đang thi công, không nhiệm vụ cấm vào". |
Như Kinh tế Môi trường thông tin, tại đồ án của Sở Quy hoạch - Kiến trúc gửi UBND TP Hà Nội ngày 7/5/2018 về việc quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp nhận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì các bến xe hiện có nằm sâu trong đô thị tạm thời giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có của 4 bến xe: Gia Lâm; Mỹ Đình; Giáp Bát; Nước Ngầm. Thời gian dự kiến sau năm 2025, thì tất cả các bến xe này sẽ phải di chuyển ra khỏi khu vực vành đai 3.
Các bến xe khách liên tỉnh mới được quy hoạch để phục vụ đô thị trung tâm là: Nội Bài; Đông Anh; Cổ Bi; Ngọc Hồi; Yên Nghĩa; Bến xe phía Tây thành phố nằm tại khu vực nút giao đường vành đai 4 và quốc lộ 6; Bến xe Phùng.
Đáng chú ý, theo đồ án mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc trình UBND TP Hà Nội, thì bến xe Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) được xác định chỉ là bến xe tạm nhằm phục vụ giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến xe quy hoạch xây dựng mới.
Chức năng của bến xe Yên Sở tương tự như bến xe Gia Lâm; Mỹ Đình; Giáp Bát; Nước Ngầm. Nhưng không hiểu vì sao lại được cấp phép hoạt động 50 năm? Chính từ việc cấp phép này đã khiến dư luận thắc mắc tại sao bến xe Gia Lâm; Mỹ Đình; Giáp Bát; Nước Ngầm không được cấp phép như bến xe Yên Sở trong khi chức năng hoạt động như nhau...(!?)
Bên cạnh đó, mặc dù chỉ là doanh nghiệp mới được thành lập chưa đầy 6 tháng, nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến ngày 30/12/2016, UBND TP Hà Nội lại có Quyết định số 7283 do Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng ký, chấp thuận đầu tư cho Công ty CP Bến xe Thanh Trì xây dựng bến xe Yên Sở không qua đấu thầu.
Dự án bến xe Yên Sở chạy dài theo tuyến đường vành đai 3. |
Theo cam kết của chủ đầu tư, dự án bến xe Yên Sở sẽ hoàn thành vào quý II/2018. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, dù đã quá hạn hoàn thành 1 năm, nhưng đến nay bến xe Yên Sở vẫn chỉ là một mảnh đất hoang, được quây kín bằng những tấm tôn, xung quanh cỏ mọc um tùm, không có công nhân và máy móc thi công.
Tấm bản đồ quy hoạch chi tiết được treo trước cổng dự án cũng đã phai mờ. Dù không thi công dự án, nhưng để hạn chế người ra vào, chủ đầu tư đã treo một tấm biển thông báo màu đỏ với nội dung: “Công trường đang thi công, không nghiệm vụ cấm vào nguy hiểm chết người".
Sự bất thường này khiến dư luận nghi ngờ và đặt ra câu hỏi: Có hay không, Hà Nội "vẽ" dự án bến xe Yên Sở cho doanh nghiệp thâu tóm đất "vàng" (!?).