ASEAN - Thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Sau 26 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, quan hệ thương mại giữa nước ta và khu vực thị trường ASEAN không ngừng phát triển qua các năm.
ASEAN thúc đẩy phong trào chống rác thải nhựaASEAN chung tay bảo tồn 30% diện tích đất và đại dươngPhấn đấu vươn lên thứ 2 ASEAN về quy mô GDP, sớm có thu nhập trung bình caoCách tiếp cận gắn kết và thích ứng của ASEAN về hợp tác biển

ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của doanh nghiệp Việt Nam

Khu vực thị trường ASEAN bao gồm 10 quốc gia thành viên: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây là khu vực thị trường gần gũi và có vai trò hết sức quan trọng đối với Việt Nam.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020, dưới các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 53,6 tỉ USD, giảm 6,8% so với năm 2019.

Tuy nhiên, sang năm 2021, thương mại đã phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 46 tỉ USD, tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn mức tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam với thế giới – 27,5%) và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19).

Đến thời điểm hiện nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Thành tựu trên là kết quả của những nỗ lực tìm hiểu, khai thác các lợi thế, cơ hội mà khu vực thị trường ASEAN mang lại. Có thể nói, xuất khẩu thành công sang thị trường ASEAN sẽ là bước đầu để hàng Việt Nam tiếp tục thâm nhập các thị trường khác.

ASEAN - Thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong 8 tháng đầu năm tăng tới 35,2% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa)

Tận dụng tốt các cơ hội để khai thác tiềm năng thị trường ASEAN

Với quy mô dân số hơn 655 triệu dân, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động, tỉ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khu vực thị trường ASEAN có tiềm năng tiêu dùng mở rộng, có khả năng hấp thụ hàng hóa tốt.

Hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương với từng nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào, Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia...

Ngoài ra, trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ đẩy nhanh triển khai các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19 như cam kết mở cửa thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại. Đây là các điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này.

Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang ASEAN

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại châu Á, trong đó có các nước ASEAN. Để duy trì hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đã có với khu vực thị trường ASEAN và tận dụng các cơ hội để đa dạng hóa và mở rộng thị trường tại khu vực này, doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý một số vấn đề.

ASEAN - Thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng tốt các cơ hội để khai thác tiềm năng thị trường ASEAN. (Ảnh minh họa)

Theo đó, doanh nghiệp cần thường xuyên, liên tục cập nhật thông tin về các chính sách, quy định của thị trường sở tại, đặc biệt là các yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm phòng chống, kiểm soát Covid-19.

Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp cần chủ động xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại bằng nhiều cách khác nhau để hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng và thanh toán.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác như thông tin về tư cách pháp nhân, nguồn hàng hóa, khả năng tài chính… để tránh các rủi ro khi hợp tác.

Trong bối cảnh gần đây, một số nước ASEAN gia tăng áp dụng các rào cản thương mại hoặc biện pháp phòng vệ thương mại. Để tránh các rủi ro không mong muốn, doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác để có kế hoạch sản xuất phù hợp, có kế hoạch đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế, không để phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa đối tác và thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều tác động tiêu cực nhưng cũng mở ra những cơ hội kinh doanh mới.

Nguyễn Luận

Xem thêm

Liên kết