Từ nhiều thập kỷ trước, khu công nghiệp (KCN) đã được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao khi tập trung các hoạt động thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng về một mối. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích về kinh tế, các KCN còn gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng.
Mặt trái của KCN bao gồm khí thải nhà kính, các chất gây ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên, điều kiện lao động và đời sống công nhân thấp, gây bất bình cho cộng đồng dân cư xung quanh. Dưới sức ép của dư luận, các nền kinh tế mới nổi, các nền kinh tế đang phát triển cần tìm giải pháp mới để tăng sản lượng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
Dưới sức ép của dư luận, các nền kinh tế mới nổi, các nền kinh tế đang phát triển cần tìm giải pháp mới để tăng sản lượng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa |
EIP chính là mô hình mới giúp các KCN đạt được cùng lúc 3 mục tiêu: Kinh tế - xã hội - môi trường. Nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình như Ðan Mạch, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc đang khuyến khích các KCN chuyển đổi sang mô hình EIP như một giải pháp phát triển bền vững, thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường, tăng năng lực cạnh tranh công nghiệp gắn với các cam kết về BÐKH.
Khu công nghiệp sinh thái đã xuất hiện từ nhiều thập niên trước. Ước tính có khoảng 50 EIP tự phong vào năm 2000, đến năm 2018, con số này đã tăng lên 250 EIP. Tuy nhiên, khái niệm và các tiêu chuẩn để được gọi là EIP chưa đồng nhất giữa các quốc gia.
Cho đến cuối năm 2017, WB kết hợp với nhiều tổ chức cho ra mắt tài liệu “An International Framework for Eco-Industrial Parks” (tạm dịch là Khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái) là cơ sở để các nước xây dựng và đánh giá EIP. Theo định nghĩa của tài liệu này, EIP là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm trên cùng một khu vực.
Tại đây, các doanh nghiệp thành viên hợp tác trong sử dụng và quản lý tài nguyên, xử lý chất thải nhằm đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với hiệu quả môi trường, xã hội. Theo tài liệu này, một KCN muốn trở thành EIP phải đáp ứng tối thiếu được 4 tiêu chí lớn: Hiệu quả quản trị KCN, hiệu quả quản lý môi trường, hiệu quả về xã hội và hiệu quả về kinh tế. Các tiêu chí này đều đòi hỏi EIP và các doanh nghiệp liên quan tuân thủ chặt chẽ quy định hiện hành của địa phương và quốc gia.
Trọng tâm của mô hình EIP là tạo ra một môi trường phát triển bền vững cho các doanh nghiệp thành viên, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. EIP được thiết kế nhằm sử dụng tối ưu các nguồn lực để tăng năng suất lao động. Mô hình này sẽ cho phép các nhà đầu tư vừa thu lợi nhuận vừa thực hiện được trách nhiệm với xã hội. |
EIP cũng giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường, giảm thiểu tác nhân gây BÐKH. Ở tầm vĩ mô, EIP sẽ giúp các quốc gia đạt được cam kết trong Thoả thuận chung Paris về BÐKH. Từ góc độ cạnh tranh công nghiệp, có rất nhiều động lực để các KCN truyền thống chuyển đổi sang mô hình EIP.
Cụ thể, EIP cải thiện môi trường kinh doanh năng động hơn; Giảm thiểu chi phí vận hành nâng cao hiệu quả tăng năng suất lao động; Giảm thiểu rủi ro về cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; Giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội gây nhức nhối cho các bên liên quan gồm người tiêu dùng, cộng đồng dân cư, chính quyền và nhà đầu tư; Ðồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao cho phép các doanh nghiệp thành viên cùng sử dụng.
(Còn nữa)