Giá trị dịch vụ của rừng, các hệ sinh thái (HST) và đa dạng sinh học (ÐDSH) là nền tảng để phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh trên đất liền cũng như ở vùng biển đảo (như du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch giải trí, du lịch nghiên cứu khám phá các nền văn hóa đa sắc màu của cộng đồng thông qua kiến thức bản địa truyền thống); Đồng thời đó cũng là những bể lưu giữ carbon, lưu giữ nguồn nước tạo năng lượng tái tạo năng lượng sạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời trong các vùng biển.
Đề xuất một số giải pháp nhằm bảo vệ rừng - đa dạng sinh học VQG Phú Quốc, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam:
Phát huy tiềm năng lợi thế của rừng và các hệ sinh thái
Tất cả các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên đảo biển Phú Quốc là phải đối chiếu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo hướng nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả trên cơ sở phát huy lợi thế về rừng, ÐDSH tự nhiên và nhân tạo trên địa bàn Phú Quốc.
Bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm và có giá trị, các sinh cảnh rừng tự nhiên độc đáo của rừng trên đảo Phú Quốc. Ảnh minh họa |
Phát huy tiềm năng lợi thế của rừng, các HST, các nguồn vốn tự nhiên và nhân tạo, các bản sắc văn hóa biển trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Phú Quốc đã được UNESCO công nhận là một tài sản vô giá không có gì thay thế được, phải có chính sách, hành động cụ thể để bảo tồn và phát huy trong phát triển kinh tế biển bền vững.
Cần rà soát cụ thể các đề án quy hoạch đã có về mục tiêu, nội dung các quy hoạch chuyên ngành giao thông, xây dựng, thủy lợi, nông lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, bảo vệ môi trường, không làm xáo trộn ảnh hưởng lớn đến diện tích rừng và ÐDSH ở VQG Phú Quốc cả trên cạn và ven biển, nhất là rừng tràm, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển phải được bảo vệ nguyên vẹn.
Coi các khu du lịch sinh thái biển đảo như một hành động bảo tồn tích cực, một loại hình du lịch dựa vào cảnh quan thiên nhiên ÐDSH trên rừng, dưới biển gắn với bản sắc văn hóa địa phương, văn hóa sinh thái biển – đảo, kết nối giữa cộng đồng với thiên nhiên, cộng đồng đất liền với cộng đồng biển đảo trong nước và quốc tế, cộng đồng khu vực ASEAN.
Tăng cường công cụ khoa học kỹ thuật trong việc dự báo nước biển dâng, phòng chống cháy rừng, nhất là rừng tràm trong bối cảnh biến đổi khí hậu đồng thời cần đẩy mạnh phong trào trồng rừng ở mọi nơi (đường làng, thị trấn, trường học, bệnh viện, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển...).
|
Vì một huyện đảo Phú Quốc không rác thải nhựa
Việc quy hoạch phát triển du lịch sinh thái huyện đảo Phú Quốc phải tính toán cân nhắc thận trọng. Quy hoạch thiết kế sao cho không hoặc ít tác động nhiều đến sự nguyên vẹn các HST và ÐDSH rừng biển của khu VQG Phú Quốc dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững đã được đề cập trong các văn bản, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ưởng Ðảng Cộng sản Việt Nam, cũng như sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế”.
Cần tăng cường các chương trình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng các doanh nghiệp, công ty phát triển du lịch và nhất là học sinh, sinh viên trong hệ thống nhà trường ở nông thôn và các thành phố về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo tồn ÐDSH, bảo vệ các cảnh quan, các di tích lịch sử văn hóa... của Việt Nam nói chung và Phú Quốc, Kiên Giang nói riêng. Hưởng ứng và hành động thiết thực cho HST đảo Phú Quốc không có rác thải đặc biệt là rác thải nhựa như lời cam kết của ông Chủ tịch huyện đảo Phú Quốc hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Thủ tưởng Chính phủ và Bộ TN&MT phát động tại Hà Nội ngày 09/6/2019.
Đoàn viên, thanh niên cùng lực lượng chức năng nhặt rác dọc bờ biển Phú Quốc. Ảnh minh họa |
Cần tạo điều kiện và giúp đỡ, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ VQG và có cơ chế phù hợp kêu gọi, khuyến khích các cơ quan nghiên cứu, các trường ở Trung ương, ở các tỉnh miền Nam, các tổ chức quốc tế, kể cả các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước tiếp tục đầu tư nghiên cứu sâu hơn về hiện trạng tài nguyên sinh vật trên rừng, dưới biển, kể cả các tri thức bản địa của cư dân vùng biển phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Bảo vệ nguyên vẹn các HST rừng, biển đảo ÐDSH VQG Phú Quốc là biện pháp thiết thực góp phần xây dựng, quy hoạch phát triển các công trình du lịch biển bền vững vùng Tây Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, phục vụ mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðể thực hiện mục tiêu cao cả ấy cần có sự đồng thuận một ý thức trách nhiệm cao, chung sức chung lòng của cả cộng đồng sản sinh ra chính sách, cộng đồng quản lý; Cộng đồng khoa học và công nghệ; Cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ở huyện đảo Phú Quốc nói riêng và ở cấp Trung ương cũng như các cộng đồng khu vực ASEAN và các tổ chức quốc tế nói chung.
Hãy "nối vòng tay lớn", góp phần thực hiện thành công hiệu quả các công trình xây dựng biển đảo Phú Quốc phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững theo nghị quyết số 36/NQ-TƯ năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam.