Tuyệt đối không chủ quan
Nằm ở phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa với 12 km bờ biển, huyện Hoằng Hóa có 3 con sông lớn chảy qua là sông Mã, sông Lạch Trường, sông Cung. Toàn huyện có 86,7km đê, trong đó: đê từ cấp I đến cấp III dài 41,9km; đê dưới cấp IV dài 44,8 km; có 83 cống dưới đê; 12 trạm bơm dưới đê. Hàng năm, Hoằng Hóa thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, triều cường, nước dâng.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Hoằng Hóa luôn chủ động tổ chức, triển khai thực hiện mọi công việc cần thiết phục vụ phòng chống thiên tai theo đúng phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, trong đó đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ” và tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều, phát hiện và tham mưu xử lý các sự cố về đê điều.
Thực hiện công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”. (Ảnh: TN) |
Theo UBND huyện Hoằng Hóa, rút kinh nghiệm trong công tác triển khai, đối phó với các đợt bão lũ lớn những năm trước đây, để tránh tình trạng khi sự cố xảy ra không có hoặc không đủ vật tư để xử lý ngay từ giờ đầu, dẫn đến việc xử lý không kịp thời, kém hiệu quả; hàng năm, UBND huyện đã phân bổ chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn chuẩn bị đảm bảo đủ cơ số để xử lý khi có tình huống xảy ra, từ đó các xã tập trung chuẩn bị, huy động trong dân.
Huyện cũng đã thành lập các Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị vật tư dự trữ phòng chống lụt bão tại các xã, thị trấn; trong đó chú ý kiểm tra cụ thể số lượng, chất lượng các loại vật tư hiện có tại các kho của từng xã, để bổ sung thay thế các loại vật tư bị mục nát, hư hỏng không đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, xác định đất dự trữ giữ đóng vai trò rất quan trọng, bởi khi có mưa lũ xảy ra, nước lũ thượng nguồn đổ về cũng là lúc hệ thống tiêu nội đê phải đóng cống nên trong nội đê nước cũng nhấn chìm nhiều diện tích; do vậy việc chuẩn bị đất dự trữ để trên đê hoặc các vị trí cao để xử lý sự cố là một trong các điều kiện tiên quyết trong công tác chuẩn bị vật tư.
“Dù đê đã được đầu tư xây dựng nhưng thiên tai ngày càng hung dữ, mọi sự chuẩn bị đều rất cần thiết tuyệt đối không được chủ quan. Việc tập kết đất tích thổ phải theo sự hướng dẫn của lực lượng quản lý đê, cần tập kết ở những vị trí xung yếu, các cống dưới đê cần phải bố trí đảm bảo số lượng đất dự trữ trữ khoảng 3.300 m3”, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy PCTT&TKCN) huyện Hoằng Hóa cho hay.
Bên cạnh đó, hàng năm trước mùa mưa bão, các xã, thị trấn tổ chức, thành lập lực lượng tuần tra canh gác và xung kích hộ đê đảm bảo nhu cầu hộ đê, chống lụt của địa phương. Các lực lượng này đều được tham gia tập huấn, diễn tập để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ là hạt nhân nòng cốt trong công tác hộ đê, chống lụt.
Kinh nghiệm xử lý sự cố chống tràn đê
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoằng Hóa cho biết, trong 10 năm trở lại đây, năm 2017 là năm thiên tai xảy ra khốc liệt nhất trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Nhất là đợt mưa lũ từ ngày 9 - 12/10/2017, trên địa bàn huyện đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 300 - 400 mm; trên các sông đã xảy ra một đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên các triền sông vượt báo động III (riêng đỉnh lũ trên sông Lạch Trường vượt lũ lịch sử năm 1980).
Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. (Ảnh: TN) |
Cũng trong đợt mưa lũ này, hệ thống công trình đê điều trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã xảy ra nhiều sự cố, đặc biệt 520m đê tả, hữu Lạch Trường bị tràn từ 15-30cm. Các đoạn còn lại của đê Lạch Trường dài 1.920 m mực nước lũ chỉ còn cách mặt đê từ 40-70cm. Các sự cố đê điều xảy ra vào ban đêm, tại nhiều vị trí trong điều kiện có mưa lớn liên tục diễn ra, có nguy cơ vỡ đê nếu không được xử lý, ứng phó kịp thời.
Do vậy, ngay sau khi Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa phát lệnh báo động lũ cấp I trên sông Lạch Trường, UBND huyện đã triển khai nhiệm vụ, chỉ đạo các thành viên các Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cụm, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trọng điểm và phân công cán bộ xuống địa bàn để kiểm tra, rà soát lại phương án huy động lực lượng, vật tư và tổ chức thực hiện tuần tra canh gác đê theo cấp lũ báo động.
UBND các xã ven đê đã huy động tối đa lực lượng tại địa phương phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để tuần tra, canh gác và thường trực trên các điếm canh đê để phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống.
Đáng chú ý, UBND huyện đã điều động khẩn cấp 400 người thuộc lực lượng dân quân xung kích của 4 xã khác đến hỗ trợ cùng với trên 1000 lực lượng tại chỗ của các xã Hoằng Cát, Hoằng Xuyên, Hoằng Đạt để xử lý sự cố tràn đê; huy động 12.000 bao tải, 2 xe ô tô tải, 02 máy súc, 2 xe công nông, xe kéo cùng 600m bạt dứa, cùng các phương tiện, dụng cụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ chống tràn theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Hạt Quản lý đê Hoằng Hóa và các cán bộ kỹ thuật tăng cường từ tỉnh.
Nhờ chuẩn bị sẵn sàng phương án tác nghiệp, trưng dụng, huy động vật tư, lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ và chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt nên các đoạn đê bị nước tràn qua được xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo an toàn công trình đê điều, bảo vệ dân sinh kinh tế xã hội của địa phương.
Đảm bảo an toàn chống lũ hệ thống đê
Từ thực tiễn công tác chuẩn bị “bốn tại chỗ” và tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều, phát hiện và tham mưu xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn chống lũ hệ thống đê, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoằng Hóa cho rằng, trong công tác hộ đê, chống lụt bão phải hết sức coi trọng tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê; không được lơ là, chủ quan; khi phát hiện sự cố, hư hỏng của công trình phải báo cáo kịp thời với người có thẩm quyền; đồng thời chủ động xử lý, ngăn chặn không cho sự cố phát triển xấu thêm.
Lực lượng tuần tra canh gác đê, lực lượng xung kích hộ đê phải được tập huấn, hướng dẫn kỹ càng về nghiệp vụ tuần tra canh đê; kỹ thuật xử lý đê giờ đầu và có chế độ thù lao thỏa đáng khi làm nhiệm vụ.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của công trình đê, kè, cống; đánh giá sát đúng hiện trạng công trình đê điều trước lũ, dự kiến các tình huống sát đúng để khi sự cố xảy ra không bị động, lúng túng.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện ở cơ sở; trong đó phải chú trọng việc chuẩn bị vật tư dự trữ của dân và khâu tổ chức lực lượng tại chỗ để khi sự cố xảy ra là huy động được ngay để xử lý kịp thời.
Công tác chỉ huy điều hành xử lý phải quyết liệt, khẩn trương; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến cơ sở; huy động kịp thời lực lượng, vật tư, phương tiện... để xử lý ngay các sự cố xảy ra.
Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống thiên tai cho các cấp chính quyền và mọi người dân thấy rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác hộ đê, chống lụt. Chỉ có huy động được sự tham gia đông đảo và tích cực của toàn dân thì mới ứng cứu, bảo vệ được đê điều an toàn trong mùa lũ.