Bài toán 'sống còn' của công nghệ điện than sạch

Các nhà máy nhiệt điện than tạo ra điện với giá thành rẻ, giúp tăng khả năng tiếp cận điện của các vùng kinh tế khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm đói nghèo. Tuy nhiên, các nhà máy này cũng là tác nhân xả thải hàng tỉ tấn CO2 gây biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Bài toán đặt ra với nhiệt điện than là làm sao để cân bằng lợi ích giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Điện mặt trời mái nhà: Cần chính sách dài hơi để phát triển bền vữngCông suất điện than toàn cầu sụt giảm kỷ lục trong lịch sửĐiện rác - bài toán kinh tế hay môi trường đối với Việt Nam?

Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, than đá đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhân loại. Nhu cầu sử dụng than để tạo năng lượng không ngừng gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hơn 1/3 sản lượng điện toàn cầu được tạo ra từ than đá, với khoảng 2.425 nhà máy nhiệt điện than.

bai toan song con cua cong nghe dien than sach
Theo Carbon Brief, sự bùng nổ của các nhà máy nhiệt điện than là nền tảng để Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng nghĩa với việc Trung Quốc là quốc gia xả thải carbon lớn nhất hành tinh. (Ảnh: Caixin Global)

Loại bỏ than là điều không dễ dàng

Than đá đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các ngành năng lượng trên thế giới, được ứng dụng phổ biến trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất sắt, thép. Tuy nhiên, than đá lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường cao nhất trong các loại nhiên liệu hóa thạch. Theo IEA, các nhà máy nhiệt điện than đóng góp tới 30% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Đốt than tạo ra các hạt vật chất siêu nhỏ (còn gọi là bụi mịn) và các chất độc hại như oxit của nitơ (NOx) và lưu huỳnh (SOx). Các nhà máy nhiệt điện than thải ra lượng khí nhà kính khổng lồ làm trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu, bao gồm carbon dioxide (CO2) và khí mêtan (CH4).

Tro than từ các nhà máy nhiệt điện chứa các chất độc hại như thủy ngân, chì, các kim loại nặng và bụi mịn gây ra nhiều loại bệnh cho cư dân trong vùng, từ khó thở đến hen suyễn, tổn thương não, các vấn đề về tim mạch, rối loạn thần kinh, ung thư và chết sớm.

Để loại bỏ tác động tiêu cực của khói than đến môi trường và sức khỏe con người và đạt được cam kết giảm phát thải CO2 theo Thỏa thuận khí hậu Paris, từ lâu các nhà hoạt động môi trường đã kêu gọi ngừng khai thác và sử dụng than.

Trên thực tế, một số quốc gia phát triển trên thế giới đã ngừng sử dụng than đá để sản xuất điện như Thụy Điển, Áo, Bỉ. Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), 6 quốc gia châu Âu khác cũng đang lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy nhiệt điện than trước năm 2025, bao gồm Pháp, Slovakia, Bồ Đào Nha, Anh, Ai-len và Italia. Trong khi đó, Hy Lạp, Phần Lan, Hà Lan, Hungary và Đan Mạch cũng đã lên kế hoạch ngừng sử dụng than để sản xuất điện trước năm 2030.

bai toan song con cua cong nghe dien than sachTiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than

Ngừng sử dụng than là giải pháp tối ưu để loại bỏ các tác động tiêu cực của khói than đến môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, loại bỏ than là điều không dễ dàng ở các nước đang phát triển, nơi than đá được xem là nguồn nguyên liệu rẻ và phong phú. Theo World Coal Association (2019), các nhà máy nhiệt điện than cung cấp đến 38% sản lượng điện trên thế giới.

bai toan song con cua cong nghe dien than sach
Theo IEA, các nhà máy nhiệt điện than đóng góp tới 30% lượng khí thải CO2 toàn cầu. (Ảnh: Asia Times)

Không chỉ các nước đang phát triển phụ thuộc vào than, các nước phát triển nghèo tài nguyên như Nhật Bản cũng không thể loại bỏ than khỏi các hoạt động kinh tế. Nhật Bản hiện đang đứng thứ 5 thế giới về công suất lắp đặt nhiệt điện than, lên tới 46.682 MW, theo số liệu của Statista (2020).Nhiệt điện than đóng vai trò vô cùng quan trọng ở các nước đang phát triển khu vực châu Phi cận Sahara và châu Á. Trong đó, nhiệt điện than tạo ra 94% sản lượng điện của Nam Phi, chiếm 70-75% nhu cầu điện của Trung Quốc và Ấn Độ. Với giá thành rẻ hơn các loại năng lượng khác, nhiệt điện than cho phép người dân nghèo ở các nước đang phát triển tiếp cận năng lượng để phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Năm 2018, các nhà máy nhiệt điện than cung cấp đến 32% sản lượng điện của Nhật Bản. Tổng số nhà máy nhiệt điện than hiện tại của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này là 140.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho rằng, với một nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản thì việc ngừng sử dụng than đá rất khó thực hiện. Các nhà máy nhiệt điện vẫn sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp điện chính cho Nhật Bản trong tương lai. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của các nhà máy nhiệt điện than đến môi trường, Nhật Bản lựa chọn giải pháp cải tiến công nghệ, giảm thiểu khí thải, thay vì đặt mục tiêu đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than như các quốc gia châu Âu.

Trên thế giới hiện nay vẫn còn khoảng 1,3 tỉ người sống trong cảnh thiếu điện và nhiệt điện than được xem là phương án tối ưu để tăng tỉ lệ tiếp cận điện. Bên cạnh đó, điện cũng rất quan trọng trong sản xuất công nghiệp. Các nước đang phát triển phải dựa vào nguồn điện giá rẻ như nhiệt điện than để đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa đất nước. Theo đánh giá của Carbon Brief, sự bùng nổ của các nhà máy nhiệt điện than là nền tảng cho sự phát triển kinh tế thần kỳ của Trung Quốc, giúp quốc gia này vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

ThS. La Thị Hoàn

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia

(Còn nữa)

Bài tiếp: Công nghệ điện than sạch có khả thi?

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết