Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần kiểm soát cả nhập và xuất, để bảo đảm ổn định thị trường trong nước. |
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi có những biến động thất thường, nếu như bốn tháng đầu năm 2019, biểu giá lợn hơi ở mức 36.949 - 44.420 đồng/kg ở miền Bắc và 43.000 - 49.200 đồng ở miền Nam thì từ tháng 5 đến tháng 7, giá lợn hơi giảm sâu đến mức kỷ lục, do người tiêu dùng e ngại dịch tả lợn châu Phi, có thời điểm, giá lợn hơi chỉ còn 28.000 đồng/kg.
Tuy nhiên từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi tăng dần, hiện giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc đang ở mức 66.500 đồng/kg; giá lợn hơi ở các tỉnh phía Nam là 63.500 đồng/kg. Cục Chăn nuôi nhận định, về cơ bản giá lợn hơi trong nước thấp và ít biến động hơn các nước chung quanh (hiện giá lợn hơi Trung Quốc đã lên đến 137.238 đồng/kg).
Lý giải hiện tượng giá lợn hơi tăng cao thất thường những ngày qua, Cục Chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân chính không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề làm cho tình hình phức tạp hơn. Trong đó, có hiện tượng găm giá, thổi giá do các thương lái nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung của các doanh nghiệp, buộc phải mua qua trung gian nên đẩy giá lên cao.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu lo ngại giá lợn hơi tăng quá nhanh sẽ gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng; đồng thời gây bất ổn, thiếu bền vững cho ngành chăn nuôi lợn. Giá tăng, nông dân tái đàn bột phát, thiếu kiểm soát có thể gây dịch trở lại. Cùng với đó, giá tăng cao còn có khả năng tăng nhập khẩu thịt lợn, phá vỡ quy hoạch ngành chăn nuôi, đem thêm mầm bệnh vào.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Chúng ta đã thủng mất 8,8% sản lượng thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi, mùa này lại là mùa tiêu dùng lớn nhất trong năm, vì vậy trong hai tháng còn lại và quý đầu năm nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt lợn cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả. Nếu không các các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.
Do đó, các bộ ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, thông tin thị trường chính xác để tránh tâm lý thị trường.
Trước mắt, Bộ trưởng cho rằng phải tăng nguồn cung, đó là các loại thực phẩm: thủy sản, gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng.
Về thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần kiểm soát cả nhập và xuất, để bảo đảm ổn định thị trường trong nước, người chăn nuôi có lãi cũng như an toàn dịch bệnh.