Báo động khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu

Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, kéo theo đó là vô số hệ lụy như trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt,... Các nhà khoa học cảnh báo, con người sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả thảm khốc nếu không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu này.
Rong biển có thể 'cứu' Trái đất khỏi rác thải nhựa và biến đổi khí hậuBiến đổi khí hậu có thể khiến gấu Bắc Cực tuyệt chủng vào năm 2100Xây dựng hệ thống tín chỉ carbon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn

Nắng nóng kỷ lục

Trong hơn 40 năm qua, các nhà khoa học đều cho rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng từ 1,5-4,5 độ C nếu lượng khí thải CO2 tăng gấp đôi so với các mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, một nghiên cứu toàn diện vừa được công bố ngày 23/7 dự báo đà tăng nhiệt của Trái Đất có thể cao hơn. Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu khả năng sẽ tăng thêm khoảng 2,3-4,5 độ C nếu lượng khí thải CO2 trong không khí tiếp tục xu hướng hiện nay, tức là gấp đôi so với các mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Người dân Pháp tập trung ở đài phun nước để giải nhiệt trong đợt nắng nóng kỷ lục hồi tháng 6/2019. (Ảnh: The Sun)

Trước đó, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, ngày 3/7, cho thấy sự leo thang của các đợt sóng nhiệt khác nhau trên khắp hành tinh. Khu vực Amazon, Đông bƯBắc Brazil, Tây Á (bao gồm các phần của tiểu lục địa và trung tâm châu Á) và Địa Trung Hải đều trải qua sự thay đổi nhanh hơn. Khu vực có người ở duy nhất không tăng sóng nhiệt là miền trung nước Mỹ.

Nghiên cứu đã tìm thấy xu hướng gia tăng rõ ràng trong tổng số ngày nắng nóng trên khắp các khu vực, và sóng nhiệt đã trở nên dài hơn trong 70 năm qua.

Năm 2019 chứng kiến những đợt sóng nhiệt huỷ diệt cướp đi mạng sống của hàng trăm người tại nhiều châu lục. Các nhà khoa học lo ngại, sóng nhiệt sẽ diễn ra thường xuyên hơn với mức độ khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Băng tan nhanh, nước biển dâng cao

Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước.

Mực nước biển có thể tiếp tục tăng lên, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều vùng đất sẽ bị xoá sổ.

Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900. Cho đến gần đây, mực nước biển gia tăng là do thể tích nước tăng lên vì nền nhiệt cao hơn.

Ngày nay, hiện tượng các sông băng bị tan chảy, đặc biệt các tảng băng ở đỉnh Greenland (Bắc Đại Tây Dương) và Nam Cực đã trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng nhanh.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phải cảnh báo về hiện tượng nước biển dâng hoặc người dân phải tản cư vì nước biển nhấn chìm các khu vực ven biển.

Cháy rừng xảy ra ngày càng nhiều

Nhiệt độ, hạn hán, tốc độ gió và độ ẩm đều là những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng và các yếu tố trên đều là ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu.

Rừng Amazon - lá phổi xanh của thế giới bị cháy. (Ảnh minh họa)

Năm 2019, rừng Amazon ở Brazil đã ghi nhận số vụ cháy cao nhất kể từ năm 2010. Số liệu của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) cho thấy tính từ đầu năm tới tháng 8/2019, rừng Amazon bị tàn phá đã tăng 92%, lên 6.404 km2 - lớn hơn diện tích của bang Delaware ở Mỹ. Chỉ tính riêng trong tháng 8, diện tích rừng bị phá đã tăng gấp 3 lần, lên 1.700 km2.

Không chỉ Amazon, thảm họa cháy rừng còn đe doạ tính mạng của hàng triệu người ở Úc. Hơn 150 đám cháy bùng phát vào đầu tháng 11/2019 ở cả bờ Ðông và bờ Tây nước Úc đã thiêu rụi hàng trăm căn nhà, gây thiệt hại ước tính hơn 30 triệu USD.

Ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay cũng ghi nhận nhiều vụ cháy rừng do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Khủng hoảng khí hậu có thể "phá huỷ" nền kinh tế

Biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét đến nền kinh tế của một số quốc gia trong những năm gần đây.

Báo cáo hồi đầu năm 2020 cho thấy, các doanh nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên ở mức độ trung bình cho đến cao đang tạo ra giá trị kinh tế 44.000 tỉ đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là khủng hoảng khí hậu, nếu xảy ra, sẽ đe dọa đến hơn 50% GDP toàn cầu.

Khủng hoảng khí hậu khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa)

Các cuộc khủng hoảng khí hậu trong 30 năm tiếp theo có thể gây ra hậu quả nặng nề chẳng khác nào những cuộc khủng hoảng tài chính trong những thập kỷ gần đây.

Một số lãnh đạo ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu nói về rủi ro khí hậu như cách mà họ nói về các cuộc khủng hoảng tài chính. Bà Christine Lagarde, tân Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nói với các nghị sĩ châu Âu hồi mùa thua năm ngoái: “Các mô hình kinh tế vĩ mô của ECB chắc chắn phải tích hợp rủi ro biến đổi khí hậu”.

Cuộc sống con người ngày càng bị đe dọa

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhân loại phải hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C, đạt mức trung lập carbon vào năm 2050 và giảm lượng khí nhà kính phát thải bằng 45% so với mức của năm 2010 vào năm 2030.

Khủng hoảng khí hậu khiến con người phải gánh chịu nhiều hậu quả khó lường. (Ảnh minh họa)

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có 60% dân số thế giới, là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước khủng hoảng khí hậu.

“Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng như sự bất bình đẳng tăng cao liên tục và tình trạng mất an ninh lương thực và thiếu dinh dưỡng gia tăng đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở nhiều xã hội và gây bất bình”, LHQ cảnh báo mới đây trên ấn phẩm Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới (WESP) 2020.

Theo WESP 2020, rủi ro liên quan đến khủng hoảng khí hậu đang trở thành một thách thức lớn hơn bao giờ hết và hành động khí hậu phải là một phần không thể thiếu trong bất kỳ chính sách nào.

Các nhà khoa học Pháp, Mỹ và Canada đã cảnh báo, nếu lượng khí thải tiếp tục tăng mạnh, gần 90% dân số thế giới (khoảng 7,2 tỉ người) có nguy cơ bị mất sản lượng trong cả ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.

Một báo cáo khác của LHQ cho rằng, cần phải giảm 7,6% lượng khí CO2 phát thải ra môi trường mỗi năm trong vòng 10 năm tới thì mới có thể kìm hãm sự tăng nhiệt toàn cầu ở dưỡi ngưỡng 1,5 độ C theo mục tiêu đặt ra trong Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết