Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về hướng đi BĐS online cho các doanh nghiệp BĐS tại Việt Nam, chuyên gia pháp lý BĐS Trần Đức Phượng cho rằng, hình thức này hiện nay không còn là hướng đi mà tùy theo từng doanh nghiệp họ sẽ chọn các bước đi, ứng dụng công nghệ phù hợp các hoạt động của họ.
Chọn mô hình nào, tính năng nào đối với từng doanh nghiệp hay từng người là khác nhau, thậm chí là từng thời điểm cũng khác nhau. Việc sáng tạo ra các mô hình mới hữu hiệu có thể phá vỡ những quan điểm truyền thống, vấn đề là thời điểm nào sẽ hiệu quả và mô hình nào là thích hợp. Nếu chọn đúng để xây dựng mô hình có hiệu quả và may mắn thì người đó sẽ thành công.
"Nếu doanh nghiệp có mục tiêu hoạt động phạm vi nhỏ thì ít đầu tư và ứng dụng sâu vì còn phụ thuộc vào quy mô của họ. Nhưng cũng doanh nghiệp đó có mục tiêu phát triển lớn hơn thì họ sẽ càng ứng dụng nhiều hơn. Nếu không tận dụng về công nghệ thì họ càng mất lợi thế của mình.
Với hiện trạng sử dụng công nghệ rộng rãi của người dân trên các thiết bị điện thoại thông minh, nhiều phần mềm lập trình được thiết lập thì việc ứng dụng triển khai các tính năng phục vụ nhu cầu của khách hàng sẽ tốt hơn, từ đó họ sẽ quyết định giao dịch và giao dịch với hình thức thuận tiện hơn.
Như vậy, đối với các doanh nghiệp lớn hoặc chọn lấy công nghệ làm nền tảng cạnh tranh thì mô hình BĐS online sẽ là sân chơi và cuộc đua giữa họ. Nếu không đầu tư phát triển ngay thì càng khó và tốn nhiều chi phí khi thị trường đã được xác lập và ổn định", ông Phượng chia sẻ.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cho biết, thực tế hình thái BĐS online tại Việt Nam đã diễn ra từ lâu thông qua một số website thương mại điện tử về BĐS. Tuy nhiên không được các nhà đầu tư đánh giá cao. Yếu tố chính bởi thói quen, văn hóa tiêu dùng của người mua đối với giao dịch BĐS, có truyền thống trực tiếp giao dịch.
Ngoài ra, phải nhìn nhận rằng, doanh nghiệp BĐS xây dựng, triển khai phục vụ cho hoạt động mua bán online, nhưng lại chưa phù hợp, không đáp ứng được, đúng nhu cầu và niềm tin khách hàng trông đợi và chưa thể thay đổi thói quen mua sắm với hàng hóa BĐS.
BĐS online là hướng đi đúng đắn cho tương lai nhưng lại không dành cho những doanh nghiệp bất tín. Bởi, các thông tin về pháp lý, giấy tờ ngân hàng bảo lãnh, tiến độ dự án, sản phẩm bên trong... đều phải được công khai toàn bộ trên nền tảng ứng dụng công nghệ. Nếu doanh nghiệp nào đáp ứng được đầy đủ các thông tin này sẽ chiếm được niềm tin của khách hàng, từ đó phát triển vững mạnh.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, doanh nghiệp muốn thực hiện tốt, hiệu quả hình thức bán hàng này, ngoài khả năng, tiềm lực, danh tiếng, độ uy tín trên thị trường, sản phẩm mà doanh nghiệp giao dịch đảm bảo các điều kiện về pháp lý, đội ngũ nhân viên kinh doanh, tư vấn, chăm sóc khách hàng chất lượng, website bán hàng hay ứng dụng bán hàng đảm bảo độ an toàn và tin cậy.
Doanh nghiệp tổ chức mua bán BĐS online phải kiểm soát chất lượng, thông tin “hàng hóa” đầy đủ, quá trình giao dịch công khai, minh bạch, rõ ràng cùng việc gia tăng định vị thương hiệu, duy trì kết nối khách hàng, tăng sự tin tưởng, tăng niềm tin nơi khách hàng.
Khi nhà đầu tư thông qua giao dịch online, họ quan tâm nhiều đến thông tin chung về BĐS đang quan tâm, quy hoạch, tiềm năng khai thác khu vực đặt BĐS, giá cả các khu vực xung quanh, thông tin pháp lý, danh tiếng của chủ đầu tư - đơn vị bán hàng và các thông tin khác liên quan tới BĐS đó.
Bên cạnh đó, một số dự án khi tham gia vào giao dịch mua bán trên thị trường (dự án nhà ở hình thành trong tương lai) đều đã được những ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách, có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng. Do vậy, nhà đầu tư cần yêu cầu cung cấp công khai chứng thư bảo lãnh.
BĐS online cần phải thể hiện được tất cả những thông tin trên để thỏa mãn thông tin cho khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tính toán sử dụng hợp đồng điện tử thay thế cho hợp đồng truyền thống (hợp đồng giấy, ký tay trực tiếp).
Xét về bản chất, hợp đồng điện tử có đầy đủ tính pháp lý và được pháp luật quy định cụ thể. Hơn nữa, hợp đồng điện tử còn có sự tham gia của nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan, tổ chức quản lý, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, góp phần đảm bảo cho hợp đồng điện tử.
Về chữ ký số, pháp luật quy định rõ ràng giá trị pháp lý, đồng thời quy định nghĩa vụ cụ thể của người ký chữ ký số và người nhận thông điệp dữ liệu được ký số, đảm bảo cho trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch.
Ngoài ra, việc công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử với những giao dịch bắt buộc cần được cơ quan quản lý nhà nước đặt ra trong bối cảnh hiện nay, để phù hợp với thực tế của xã hội.
Trong khi đó, chuyên gia pháp lý BĐS Trần Đức Phượng bày tỏ: "Theo quan điểm cá nhân, nếu với tư cách là người giao dịch với doanh nghiệp BĐS thì doanh nghiệp nào mang nhiều thuận tiện, lợi ích và quản trị được các rủi ro cho người mua thì doanh nghiệp đó sẽ phát triển".
Theo ông Phượng, để xây dựng mô hình giao dịch BĐS online, điều đầu tiên là doanh nghiệp cần xác định rõ giữa hoạt động “quảng cáo” và “bán hàng”.
“Quảng cáo” là dùng các kỹ thuật, mỹ thuật, sự biểu cảm để thu hút khách hàng quan tâm, chú ý, gây ấn tượng và ghi nhớ. Còn hoạt động “bán hàng” có yêu cầu hoàn toàn khác: Đúng, đủ và phải chịu trách nhiệm với khách hàng.
"Nếu không phân biệt vấn đề này thì rất khó phát triển thành công việc bán hàng trên một nền tảng quảng cáo. Như thực tế hiện nay, các doanh nghiệp chưa tạo thành hình thức bán hàng mà chỉ là hoạt động quảng cáo chi tiết và chiều sâu hơn. Một mô hình hiệu quả, cụ thể, chắc chắn, cần sự đóng góp của nhiều người, nhiều lĩnh vực, sẽ hứa hẹn nhiều sự sáng tạo cho doanh nghiệp", ông Trần Đức Phượng nói.