Các loài sinh vật biển di chuyển đến vùng Cực do sự nóng lên toàn cầu. (Ảnh: Getty Images) |
Một nghiên cứu phân tích toàn diện về vấn đề thay đổi môi trường sống của các loài động vật vừa được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các nhà môi trường quốc tế.
Theo đó, các nhà khoa học đã tạo ra cơ sở dữ liệu được đặt tên là BioShifts từ việc kết hợp 256 nghiên cứu được đánh giá ngang hàng và so sánh hơn 30.000 lần thay đổi môi trường sống của hơn 12.000 loài vi khuẩn, nấm, thực vật và động vật.
Dữ liệu cho thấy các loài sinh vật biển đang phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ nhanh hơn so với động vật trên cạn.
Giáo sư Camille Parmesan từ Đại học Plymouth ở Anh cho biết trên khắp thế giới động vật và thực vật đang di chuyển về phía cực của Trái đất, và nó đang diễn ra nhanh hơn dự đoán ban đầu của các nhà khoa học.
"Đối với các loài mà chúng ta có dữ liệu về nơi chúng đã sống trong lịch sử hơn 100 năm qua, khoảng một nửa trong số chúng đã thực sự di chuyển khỏi môi trường sống bình thường, đó là một con số đáng kinh ngạc khi nhiệt độ trái đất chỉ ấm lên 1 độ C".
Động vật lưỡng cư được phát hiện đang di chuyển lên dốc ở độ cao hơn 12 mét/năm, trong khi các loài bò sát đang tiến về phía xích đạo ở mức 6,5 mét/năm. Côn trùng được tìm thấy đang di chuyển ở tốc độ 18,5 km/năm.
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong khi các loài sinh vật biển đang di chuyển về phía hai cực với tốc độ trung bình gần 6 km/năm, thì động vật trên cạn chỉ di chuyển lên cao với tốc độ trung bình gần 1,8 mét/năm.
Sự khác biệt này có thể tồn tại vì nhiều lý do như độ nhạy nhiệt độ, không khí dẫn nhiệt kém hiệu quả hơn 25 lần so với nước, và nhiều động vật trên cạn có thể dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể nếu muốn. Thêm vào đó, động vật trong nước có thể di chuyển dễ dàng hơn rất nhiều nếu có nhu cầu. Trên đất liền, các hoạt động của con người thường cản trở sự di chuyển của động vật.
"Những tương tác phức tạp này cần được tính toán để cải thiện các kịch bản phân phối lại đa dạng sinh học và hậu quả của nó đối với sức khỏe của con người dưới sự biến đổi khí hậu trong tương lai" - các tác giả cho biết.
(Ảnh minh họa) |
Theo nhiều chuyên gia môi trường, nếu các tác giả phân tích đúng, và sinh vật biển đang theo dõi sự thay đổi nhiệt độ chặt chẽ hơn, nó có thể có những hậu quả nặng nề và sâu rộng.
Cụ thể, khi nhiệt độ tăng ép các loài sinh vật biển vào phạm vi môi trường sống ngày càng thu hẹp và khiến chúng bơi về phía hai cực, điều này có nguy cơ làm cạn kiệt nước lạnh.
Điều tương tự cũng đang xảy ra trên đất liền. Các động vật được tìm thấy ở trên núi cao được cho là đang cưỡi "thang cuốn đến tuyệt chủng" khi nhiệt độ và sự cạnh tranh đẩy chúng đến bờ vực nguy hiểm. Chỉ là trong nước, “thang cuốn” này dường như đang di chuyển nhanh hơn.
Giáo sư sinh thái Hugh Possingham từ Đại học Queensland cho biết, đôi khi con người cần can thiệp và di chuyển các loài để cứu chúng khỏi sự tuyệt chủng.
"Chúng tôi đã phân chia rất nhiều môi trường sống và rất nhiều loài trong số này có thể đã di chuyển qua các cực khi nhiệt độ ấm lên", ông nói.
Mặc dù sự phân tích tổng hợp được sử dụng để tạo ra cơ sở dữ liệu BioShifts chỉ bao gồm 0,6% sự sống được biết trên trái đất và các động vật được nghiên cứu là những loài nổi bật hoặc quan trọng đối với con người, tập trung chủ yếu ở bán cầu Bắc.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là rất nhiều loài động vật đang phải vật lộn để tìm môi trường sống mới khi đối mặt với khủng hoảng khí hậu.