Biến đổi khí hậu có thể gây ra xung đột, chiến tranh

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ xung đột bạo lực giữa các quốc gia trong tương lai.
Băng "vĩnh cửu" tan sớm 70 năm do biến đổi khí hậuĐến năm 2100, 17% sự sống dưới đại dương sẽ biến mấtQuốc gia Ấn Độ đã trả giá biến đổi khí hậu như thế nào?

Ngày 20/6, Tạp chí khoa học Nature công bố một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Tổ chức Đánh giá môi trường Stanford, cho thấy: "Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ xung đột bạo lực giữa các quốc gia trong tương lai".

Nhóm nghiên cứu đã tập hợp 11 chuyên gia hàng đầu để cùng nhau nghiên cứu về các cuộc xung đột diễn ra trong 100 năm qua và sự liên quan giữa các yếu tố khoa học tự nhiên, sử học, chính trị…

Bà Katharine Mach - Giám đốc Tổ chức Đánh giá môi trường Stanford, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Nhiều người cho rằng, chiến tranh thường gây ra bởi quản lý nhà nước kém hoặc phát triển kinh tế yếu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm ảnh hưởng tới an ninh toàn cầu".

bien doi khi hau co the gay ra xung dot chien tranh
Biến đổi khí hậu làm các bất ổn chính trị trở nên phức tạp hơn. Ảnh: Getty Image.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang gây thiên tai ở nhiều nơi trên thế giới, khiến nguồn nước sạch và thức ăn trở nên khan hiếm. Nếu chính phủ các quốc gia không ứng phó kịp thời sẽ dẫn đến xung đột nội bộ và chiến tranh diệt chủng. Các cuộc đụng độ vũ trang trong nước khả năng cao sẽ tràn ra khu vực biên giới và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực. Hiện tượng này đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ.

Năm 2015, trong một báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc đã lấy cuộc nội chiến ở Syria làm ví dụ điển hình cho sự ảnh hưởng đáng sợ của biến đổi khí hậu lên tình hình chính trị. Theo đó, vào thời điểm mùa Xuân năm 2010 tại Ả Rập, chế độ độc tài của Bashar al-Assad đã đẩy hơn 1 triệu người Iraq tị nạn vào cảnh "màn trời chiếu đất". Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 500 năm xảy ra cùng lúc làm tình hình thêm tồi tệ. Do thiếu nước, hàng ngàn người Syria từ nông thôn phải sơ tán tới thành phố. Tuy nhiên, vấn đề không được giải quyết. Những cuộc nội chiến thảm khốc nổ ra khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ mạng. Làn sóng tị nạn tiếp tục di chuyển sang Trung Đông, vào châu Âu và làm lung lay trật tự chính trị đến tận Đức.

Nhận thức được những nguy cơ này, các cơ quan quân sự và tình báo Hoa Kỳ đã từ lâu coi biến đổi khí hậu là mối đe doạ lớn. Ngay cả khi được giới hạn trong một quốc gia, mối quan hệ giữa khí hậu và xung đột vũ trang cũng rất phức tạp và khó để tách rời. Bởi lẽ, "cơn thịnh nộ" của thiên nhiên đang có chiều hướng nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.

Phân tích của Stanford xuất hiện sau khi chính quyền Trump cố gắng ngăn cản một chuyên viên tình báo cấp cao của Bộ Ngoại giao đứng ra làm chứng trong phiên điều trần về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh toàn cầu.

Những lời khai của chuyên viên tình báo Rod Schoonover vừa được thời báo New York Times công khai vào cuối tuần trước. Theo đó, mọi quốc gia đều sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực châu Phi cận Sahara, Trung Đông và châu Á. Những nguyên nhân về khí hậu sẽ là "chất xúc tác" gây ra các cuộc nội chiến và bất ổn chính trị toàn cầu.

Động thái "che đạy" của chính quyền Trump cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đã nghiễm nhiên bỏ qua vai trò của biến đổi khí hậu trong các tình huống xung đột. Tách biệt các yếu tố về môi trường khỏi việc đánh giá an ninh và rủi ro ngoại giao là bước đi sai lầm của bất cứ một nhà nước nào, khi tác hại của nóng lên toàn cầu ngày càng rõ rệt

Các tác giả của nghiên cứu cũng khuyến nghị rằng: "Những hiện tượng tiêu cực gây ra bởi khí hậu, dù là nhỏ nhất cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người, kinh tế và môi trường; chi phí xã hội để giải quyết các vấn đề về khí thải hiện đang không ngừng tăng. Trong lịch sử loài người, chính trị và kinh tế luôn đi đôi với nhau. Do vậy, vai trò của biến đổi khí hậu trong việc giữ gìn an ninh quốc gia là không thể phủ nhận".

Diệu Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường