Quốc gia Ấn Độ đã trả giá biến đổi khí hậu như thế nào?

Trận hạn hán lịch sử biến nhiều khu vực của Ấn Độ thành "địa ngục trần gian". Người dân ở hàng trăm ngôi làng đã phải sơ tán, bỏ lại tài sản và nhà cửa do sức tàn phá của biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump "về phe" biến đổi khí hậuGần 11.000 người có thể tử vong mỗi năm do biến đổi khí hậu ở MỹBiến đổi khí hậu: "Hung thần" của nền kinh tế

Hôm 10/6, nhiệt độ ở Thủ đô Delhi lên tới 48 độ C. Tại thành phố Churu (bang Rajasthan, Ấn Độ), nhiệt độ cao nhất đo được lên tới 50,8 độ C, biến nơi đây thành điểm nóng nhất hành tinh.

quoc gia an do da tra gia bien doi khi hau nhu the nao
Một nông dân Ấn Độ đang ngồi giữa bầy cừu chết của mình dưới thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: AFP.

Một khu vực rộng lớn ở phía nam thành phố Mumbai thậm chí còn bị “bỏ hoang” khi hơn 90% cư dân đã sơ tán; 10% ở lại là người bệnh và người già, phải chống chọi yếu ớt với biến đổi khí hậu. Ngôi làng Hatkarwadi (bang Maharashtra, Ấn Độ) gần như đã không còn bóng người. Có hơn 8 triệu nông dân trong khu vực đang phải vật lộn để sinh tồn. Để có nước sinh hoạt, người dân phải bỏ tiền túi thuê khoảng 6.000 chuyến xe chở nước mỗi ngày. Những người không có đủ khả năng kinh tế phải bỏ xứ ra đi hoặc chờ chết trong bất lực. Việc khan hiếm nước sạch còn khiến người dân ở các bang xung đột dữ dội.

Hạn hán kéo dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân. Nhiệt độ cao đã tàn phá hết các loại cây trồng chính, bao gồm ngô, đậu nành, bông, đậu lạc,…; khiến gia súc chết dần, chết mòn vì đói và khát. Nền kinh tế khu vực bị thiệt hại nặng nề.

quoc gia an do da tra gia bien doi khi hau nhu the nao
Xe chở nước đang "dỡ hàng" vào một cái giếng cạn ở bang Maharashtra. Ảnh: Reuters.

Theo nhiều báo cáo khoa học, Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hạn hán. Biến đổi khí hậu đã thực sự đẩy cuộc sống của người dân nơi đây vào “bước đường cùng”, khi có tới hơn 4.700 vụ nông dân tự tử trong vòng 5 năm qua, riêng năm 2018 có 947 vụ. Các bệnh viện thường xuyên quá tải do các bệnh liên quan đến thiếu nước. Số ca nhiễm khuẩn tiêu hoá do uống nước ô nhiễm đặc biệt tăng nhanh. Dưới đáy các con đập và hồ cạn trong khu vực, người ta chỉ khoan được thứ nước đầy bùn và muối mặn, đến gia súc cũng không thể uống được.

Nhiều người dân cho biết, đối với họ, sử dụng nhà vệ sinh giờ đây trở nên “xa xỉ”. Phụ nữ phải chờ đêm xuống mới ra ngoài trời để đi vệ sinh.

Cuối tháng 5/2019, 43% diện tích Ấn Độ bị “bao phủ” bởi hạn hán. Tất cả những nơi trước đây là sông, hồ, đập,... chỉ còn trơ lại mặt đất nứt nẻ. Theo một báo cáo của cán bộ chính phủ Niti Aayog, 40% nước của Ấn Độ đến từ những mạch nước ngầm. Tuy nhiên, chúng đang dần cạn kiệt với một tốc độ khó lường. Theo dự đoán, đến năm 2020, nước ngầm ở 21 thành phố sẽ cạn kiệt. Nếu không tìm ra giải pháp, gần 50% dân số Ấn Độ sẽ không còn nước sạch để uống vào năm 2030.

Gió mùa Tây Nam là hy vọng gần như duy nhất của quốc gia này, được dự đoán sẽ đến muộn với cường độ nhỏ hơn bình thường. Nếu điều này trở thành sự thật, hạn hán ở Ấn Độ dường như sẽ kéo dài vô thời hạn.

Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất “chịu trận” do hạn hán. Trên khắp thế giới, hiện tượng El Nino đang diễn ra ngày càng dày đặc và phức tạp hơn. Các nhà khoa học cho biết, nếu không có các biện pháp khắc phục phù hợp, tốc độ gia tăng dân số và nóng lên toàn cầu như hiện nay đang mang kịch bản “ngày tận thế” đến gần hơn với loài người.

Diệu Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường