Hệ sinh thái rừng bị tác động của biến đổi khí hậu
Tính đến hết ngày 31/12/2021, diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.745.201 ha; trong đó, rừng tự nhiên là 10.171.757 ha; rừng trồng là 4.573.444 ha.
Trong đó, hệ sinh thái rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới phân bố tương đối rộng trên lãnh thổ Việt Nam, tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An... và vùng Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Theo dự báo của các chuyên gia, với kịch bản nhiệt độ tăng 0,890C và lượng mưa tăng 2,5% thì diện tích của kiểu rừng hệ sinh thái rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới dự tính có thể bị giảm xuống nghiêm trọng ở các khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, tổng diện tích ước tính chỉ còn khoảng 1,3 triệu ha tương đương với độ che phủ 3,89% diện tích tự nhiên vào năm 2050.
Bên cạnh đó, rừng ngập mặn phân bố dọc bờ biển Việt Nam thuộc 28 tỉnh và thành phố đã chia vùng phân bố rừng Việt Nam thành 4 khu vực với 12 tiểu khu và xác định điều kiện sinh thái cho từng tiểu khu, có diện tích khoảng 84.321 ha chiếm 0,26% diện tích toàn quốc.
Trước tình hình biến đổi khí hậu xảy ra thời gian qua, nhiều chuyên gia về môi trường nhận định, biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi chế độ thủy, hải văn, sóng biển và nước biển dâng sẽ có tác động đáng kể đến thu hẹp diện tích của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đồng thời, diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp do một số loài cây rừng ngập mặn không kịp thích ứng với các thay đổi của điều kiện môi trường như độ ngập triều, độ mặn, nhiệt độ. Hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính đặc thù, rất nhạy cảm với những tác động của biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, việc Việt Nam thường xuyên phải gánh chịu tần suất các cơn bão nhiều và có cường độ mạnh cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đế hệ sinh thái rừng ngập mặn. Chính việc suy thoái và suy giảm diện tích của rừng ngập mặn đã khiến gia tăng nguy cơ xói lở bờ biển; giảm sinh kế của cộng đồng cư dân ven biển, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và du lịch sinh thái; giảm khả năng lưu giữ CO2 của rừng ngập mặn.
Đồng thời, mực nước biển dâng sẽ làm gia tăng quá trình mặn hóa ở các vùng cửa sông và các vùng ven biển là nguy cơ lớn nhất đối với hệ sinh thái rừng tràm. Nước và đất nhiễm mặn quá giới hạn cho phép làm rừng tràm chết hoặc diện tích rừng tràm bị thu hẹp lại. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi mực nước biển dâng 1 m, dự tính khoảng 300 km² rừng ngập mặn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, tương được với diện tích khoảng 15,8% tổng diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam.
Nhiều tác động tiêu cực
Theo thống kê, những năm gần đây diện tích rừng ở Việt Nam tuy có tăng lên, nhưng chất lượng rừng lại có chiều hướng suy giảm. Cụ thể, rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 7%, trong khi rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm gần 70% tổng diện tích rừng trong cả nước. Trong vài thập kỷ qua, trung bình mỗi năm Việt Nam mất đi hàng chục nghìn ha rừng, trong đó, mất rừng do cháy rừng khoảng 16.000 ha/năm.
Thực tế cho thấy, hệ sinh thái rừng Việt Nam có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm rừng thông, rừng tràm, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng đặc sản,... Với việc biến đổi khí hậu diễn ra thời gian qua, công với việc nhiệt độ ngày càng gia tăng, các đợt hạn hán có xu hướng gia tăng cả về tần suất cũng như cường độ, do đó nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng và cháy lớn ngày càng nghiêm trọng.
Ngoài cháy rừng, thời gian qua cũng có nhiều nguyên nhân khác gây suy giảm tài nguyên rừng như các trận dịch sâu xanh ăn lá bồ đề, ong ăn lá mỡ, sâu đo ăn lá lim, sâu ăn lá muồng đen,… thường xảy ra, ăn trụi hàng nghìn ha rừng. Việt Nam cũng đã từng xảy ra các loại bệnh dịch nguy hiểm như bệnh khô cành bạch đàn ở Đồng Nai làm cho 11.000 ha cây bị khô, ở Thừa Thiên Huế 500 ha, ở Quảng Trị trên 50 ha. Bệnh khô xám thông, bệnh rơm lá thông, bệnh khô ngọn thông, bệnh thối cổ rễ thông, bệnh vàng lá sa mộc, bệnh khô cành cây phi lao, bệnh khô héo trẩu, bệnh chổi sể tre luồng, bệnh tua mực quế, bệnh sọc tím tre luồng,… đã uy hiếp nghiêm trọng hàng nghìn ha rừng và ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp ở nước ta.
Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng, độ ẩm cao, mưa nhiều, gió mạnh, đất đai suy thoái,... tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sâu bệnh, côn trùng hại rừng sinh trưởng, phát triển và lây lan thành dịch bệnh rất nguy hiểm, tàn phá nhiều khu rừng rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng ở Việt Nam, đặc biệt là rừng trồng.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng tạo điều kiện cho sâu róm thông phát dịch nhiều hơn ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Nguy cơ sâu róm thông sẽ tăng so với năm 2000, khoảng 13% vào năm 2050 và đặc biệt vào năm 2100 nguy cơ phát triển sâu róm thông tăng khoảng 31%; sâu đục ngọn thông có khả năng phát dịch nhiều hơn ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; châu chấu tre luồng có khả năng phát dịch nhiều nhất ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ; bọ xít muỗi có khả năng phát dịch nhiều nhất ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; mối có khả năng phát dịch nhiều ở hầu hết các vùng.
Trước tình hình biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu. Tháng 12-2021, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ.
Phùng Nguyên