Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Thích ứng để phát triển bền vững

Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, nơi cung cấp phần lớn giá trị hàng hóa nông sản cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức lớn, bao gồm cả những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
ĐBSCL: Nhiều lợi thế phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớnĐBSCL đối mặt với ‘mùa sạt lở 2021’ĐBSCL: Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậuPhát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT), ĐBSCL có dân số khoảng 18 triệu người, diện tích bằng 1/8 cả nước, nhưng đang đóng góp tới 1/5 tổng sản phẩm trong nước (GDP), cung cấp gần 60% sản lượng lúa và 40% lượng thủy sản. Tuy nhiên, khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức lớn, bao gồm cả những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Việc phát triển thủy điện quá mức ở thượng nguồn sông Mê Kông làm suy giảm phù sa, thay đổi quy luật dòng chảy. Đồng bằng không còn lũ lớn, xâm nhập mặn vùng ven biển diễn ra sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng và biến động khó lường. Nhiều vùng ven biển đang bị sụt lún từ 1 cm đến 2,5 cm/năm.

Đề cập đến BĐKH và những tác động đối với ĐBSCL, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã nhận định, BĐKH ngày càng khó lường, tác động nhanh và mạnh so với dự báo, tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng. Nếu không có những giải pháp phù hợp, dự báo đến năm 2100, nước biển dâng sẽ gây ngập khoảng 40% diện tích ĐBSCL, như vậy sẽ ảnh hưởng sinh kế của 55% người dân trong khu vực và có những tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an ninh lương thực không những của đất nước mà cả thế giới.

tm-img-alt
Thu hoạch tôm canh tác theo mô hình tôm - lúa ở Cà Mau. (Ảnh: Hữu Tùng)

Theo GS Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, vấn đề sạt lở và sự biến động ven sông và dải ven biển ở ĐBSCL đang và sẽ diễn biến rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân chính có thể kể đến đó là sự thiếu hụt phù sa về đồng bằng. Bên cạnh đó, ĐBSCL là đồng bằng trẻ, kết cấu đất và nền móng lỏng lẻo rất dễ gây xói lở, tạo ra các thủy lực và sạt lở.

Mới đây, tại Đại hội XIII của Đảng, tham luận về chủ đề phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho rằng, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển toàn vùng đang gặp những khó khăn, nút thắt và một trong những nút thắt đó chính là BĐKH.

Dẫn chứng riêng tại tỉnh Bến Tre, ông Phan Văn Mãi cho biết: Là một tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, Bến Tre giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp và kinh tế biển. Đồng thời, với vị thế cù lao bao bọc bởi các con sông lớn và 65 km bờ biển, sông rạch chằng chịt, Bến Tre là một trong những địa phương dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH và nước biến dâng. Đợt hạn năm 2019 - 2020 xâm nhập sâu gần như bao phủ toàn tỉnh cùng với hạn hạn kéo dài, gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng không chỉ sản xuất nông nghiệp mà toàn bộ nền kinh tế của tỉnh và cả cuộc sống sinh hoạt của người dân do không đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước ngọt.

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng BÐKH

Nhằm khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên trước tác động của BĐKH; các tỉnh, thành ĐBSCL đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng đã chuyển hơn 40.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các giống lúa thơm chất lượng cao, đặc biệt là nhóm giống lúa ST.

Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng còn đẩy mạnh thực hiện cải tạo diện tích vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Bưởi, cam sành, vú sữa, nhãn xuồng, mãng cầu gai. Đây là những sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cho năng suất cao, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tại tỉnh Hậu Giang, theo ngành NN&PTNT tỉnh này, thực hiện đề án tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ năm 2014 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã chuyển đổi diện tích hàng ngàn ha đất vườn tạp, đất trồng lúa 3 vụ, trồng mía kém hiệu quả ở các huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ,… sang trồng cây có múi, rau màu và nuôi thủy sản.

Thống kê của ngành NN&PTNT Hậu Giang cho thấy, với mô hình chuyển đổi đất trồng lúa 3 vụ/năm sang trồng lúa 2 vụ và 1 vụ màu đã mang lại thu nhập cho người dân từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên, còn mô hình chuyển đổi trồng 2 vụ lúa và 1 vụ thủy sản lợi nhuận người nông dân thu được hàng năm từ 20 đến 50 triệu đồng/ha.

Nhằm thích ứng với tình hình khô hạn, thiếu nước, TP.Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa. Theo đó, trong năm 2020, trên địa bàn thành phố đã có hơn 17.400 ha đất trồng lúa được chuyển qua trồng rau màu, đậu, bắp, cà,…; có hơn 2.400 ha đất trồng lúa chuyển qua trồng các loại cây ăn trái.

Tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã diễn ra tại TP.Cần Thơ, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang đã chuyển chuyển dịch 19.154 ha lúa 2 vụ ven biển sang mô hình tôm - lúa. “Với việc áp dụng mô hình chuyển đổi này, đã góp phần quan trọng giúp cho tỉnh Kiên Giang giữ vững sản lượng lúa năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn, còn sản lượng thủy sản đạt 836.000 tấn, vượt 110% so với kế hoạch đề ra” - ông Đỗ Thanh Bình cho biết thêm.

Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, tinh thần chuyển đổi theo Nghị quyết 120/NQ-CP ở vùng ĐBSCL mạnh mẽ hơn, thể hiện qua việc tại vùng mặn ven biển, diện tích lúa - tôm tăng nhiều, phong trào chuyển lúa sang trồng cây ăn trái cũng khá nhiều. Hiện nay, người nông dân vùng ĐBSCL cũng đã thay đổi tư duy sản xuất, trong mùa mưa thì trồng lúa, khi ít mưa, nước mặn lên chuyển qua nuôi tôm. Việc chuyển đổi này đem lại lợi ích gấp 4,5 lần so với cây lúa.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, mặc dù mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giữ vững sản lượng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy vậy, việc triển khai các mô hình này hiện đang gặp khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm do chưa có doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị này.

Võ Tòng Xuân cho rằng: “Hiện tại, phong trào chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng cây ăn trái ở các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai khá nhiều, nhưng làm rất lẻ tẻ ở một vài nơi và chưa đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Do đó, rất cần giải quyết được đầu ra cho sản phẩm và không để thương lái "hoành hành" thì mới đem lại hiệu quả thực sự cho các mô hình chuyển đổi này. Trong thời gian tới, chúng ta cũng cần định hướng tư duy từng vùng, vùng nào trồng cây gì. Từ đó, chúng ta mới kết hợp nông dân với nông dân thành những hợp tác xã và liên kết với các doanh nghiệp”.

ĐBSCL - Đột phá mạnh mẽ từ giao thông

3 năm sau khi Nghị quyết 120 của Chính Phủ ra đời, diện mạo giao thông ở ĐBSCL đã có bước phát triển mạnh mẽ. Theo đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối hạ tầng từ cơ sở đến tỉnh; vùng, và liên vùng đã được triển khai, gồm đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án nâng cấp tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ban đầu, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến đầu tư theo hình thức BOT, nhưng sau đó đã chuyển qua hình thức đầu tư công với tổng số vốn 4.826,23 tỉ đồng. Điều này, nhằm giảm gánh nặng chi phí cho vùng, như cam kết của Chính phủ thông qua Nghị quyết 120, - với những chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH và an toàn, thịnh vượng. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998 km.

Đến nay, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dài hơn 51 km, kinh phí hơn 6.300 tỉ đồng đã được thông xe, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, với vốn đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng cũng đã chạy thực nghiệm, cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến vốn đầu tư hơn 33.000 tỉ đồng, hoàn thành năm 2026, cao tốc trục ngang thứ hai dài 155 km Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành sau 3 năm… Tất cả đang tạo nên một mạng lưới kết nối hạ tầng đồng bộ.

Minh Phương