ĐBSCL: Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng thuận thiên.
ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong lịch sửĐảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL ứng phó xâm nhập mặnPhát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Hình thành vùng sản xuất quy mô lớn

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, điều dễ nhận thấy nhất là ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đã và đang chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn. Điều này giúp các địa phương, người dân vùng ĐBSCL chủ động thích ứng với BĐKH, nâng cao thu nhập.

Là trung tâm vùng ĐBSCL, TP.Cần Thơ đã và đang tập trung chuyển dịch mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn để thích ứng với hạn, mặn. Đồng thời, TP.Cần Thơ cũng đang triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

tm-img-alt
Người dân vùng ĐBSCL đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

Theo Sở NN&PTNT, TP.Cần Thơ hiện có 106 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích khoảng 25.000 ha. Thành phố còn xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa sạch với diện tích 10.000 ha ở các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai...; 6 hợp tác xã sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản. Xác định cây lúa vẫn là cây trồng có lợi thế, TP.Cần Thơ cũng đang hình thành, phát triển các vùng sản xuất chất lượng cao và mở rộng diện tích trồng lúa liên kết theo cánh đồng mẫu lớn với 40.000 ha/vụ.

Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 80.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa chiếm đa số với 77.000 ha. Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Hậu Giang đã xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ quá trình canh tác lúa.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: “Đến nay, Hậu Giang đã triển khai xây dựng 6 mô hình cách đồng mẫu lớn, mỗi mô hình có diện tích từ 300 ha đến 500 ha. Cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, ứng dụng nấm xanh trong quản lý rầy nâu, công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại tổng hợp”.

Còn tại Sóc Trăng, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cho người nông dân. Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, hiện nay trên địa tỉnh có hơn 180 cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 17.200 ha, có 73 doanh nghiệp ký kết tiêu thụ lúa tại các cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 12.800 ha.

Cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn chú trọng đầu tư tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, điển hình là các giống lúa ST, OM 5451, OM 4218,…; Đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, người dân; Phát triển giống lúa chất lượng cao, cơ giới hóa trong sản xuất, sản xuất theo chứng nhận VietGap.

Chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa

Nhằm khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên trước tác động của BĐKH; Các tỉnh, thành ĐBSCL đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng đã chuyển hơn 40.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các giống lúa thơm chất lượng cao, đặc biệt là nhóm giống lúa ST.

Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng còn đẩy mạnh thực hiện cải tạo diện tích vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Bưởi, cam sành, vú sữa, nhãn xuồng, mãng cầu gai. Đây là những sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho năng suất cao, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tại tỉnh Hậu Giang, theo ngành NN&PTNT tỉnh, thực hiện Đề án tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã chuyển đổi diện tích hàng ngàn ha đất vườn tạp, đất trồng lúa 3 vụ, trồng mía kém hiệu quả ở các huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ,… sang trồng cây có múi, rau màu và nuôi thủy sản.

Thống kê của ngành NN&PTNT Hậu Giang cho thấy, với mô hình chuyển đổi đất trồng lúa 3 vụ/năm sang trồng lúa 2 vụ và 1 vụ màu đã mang lại thu nhập cho người dân từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên, còn mô hình chuyển đổi trồng 2 vụ lúa và 1 vụ thủy sản lợi nhuận người nông dân thu được hàng năm từ 20 đến 50 triệu đồng/ha.

Nhằm thích ứng với tình hình khô hạn, thiếu nước, TP.Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa. Theo đó, trong năm 2020, trên địa bàn thành phố đã có hơn 17.400 ha đất trồng lúa được chuyển qua trồng rau màu, đậu, bắp, cà,…; Có hơn 2.400 ha đất trồng lúa chuyển qua trồng các loại cây ăn trái.

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã diễn ra tại TP.Cần Thơ, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, tỉnh Kiên Giang đã chuyển dịch 19.154 ha lúa 2 vụ ven biển sang mô hình tôm - lúa. “Việc áp dụng mô hình chuyển đổi này đã góp phần quan trọng giúp cho tỉnh Kiên Giang giữ vững sản lượng lúa năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn, còn sản lượng thủy sản đạt 836.000 tấn, vượt 110% so với kế hoạch đề ra”, ông Đỗ Thanh Bình cho biết thêm.

GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, tinh thần chuyển đổi theo Nghị quyết 120/NQ-CP ở vùng ĐBSCL mạnh mẽ hơn, thể hiện qua việc tại vùng mặn ven biển, diện tích lúa - tôm tăng nhiều, phong trào chuyển lúa sang trồng cây ăn trái cũng khá nhiều. Hiện nay, người nông dân vùng ĐBSCL cũng đã thay đổi tư duy sản xuất, trong mùa mưa thì trồng lúa, khi ít mưa, nước mặn lên chuyển qua nuôi tôm. Việc chuyển đổi này đem lại lợi ích gấp 4 - 5 lần so với cây lúa.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, mặc dù mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giữ vững sản lượng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy vậy, việc triển khai các mô hình này hiện đang gặp khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm do chưa có doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị này.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng: “Hiện tại, phong trào chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng cây ăn trái ở các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai khá nhiều, nhưng làm rất lẻ tẻ ở một vài nơi và chưa đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Do đó, rất cần giải quyết được đầu ra cho sản phẩm và không để thương lái "hoành hành" thì mới đem lại hiệu quả thực sự cho các mô hình chuyển đổi này. Trong thời gian tới, chúng ta cũng cần định hướng tư duy từng vùng, vùng nào trồng cây gì. Từ đó, chúng ta mới kết hợp nông dân với nông dân thành những hợp tác xã và liên kết với các doanh nghiệp”.

Lê Hùng