Nhằm bảo vệ tài nguyên biển, phát triển kinh tế thủy sản và du lịch sinh thái một cách bền vững, trong những năm gần đây, UBND tỉnh Bình Định chú trọng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Trong khuôn khổ các dự án do GEF, MCD tài trợ, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản và UBND TP.Quy Nhơn hỗ trợ địa phương 4 xã/phường Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng xây dựng mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là những mô hình đồng quản lý đầu tiên được thành lập theo Luật Thủy sản mới trên cả nước.
Các Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương tại 4 xã/phường được UBND TP.Quy Nhơn giao quyền bảo vệ bao gồm: Khu vực biển Bãi Dứa tại Nhơn Lý, diện tích 8,02 ha; khu vực biển phía Tây Hòn Khô nhỏ xã Nhơn Hải, diện tích 12,043 ha; khu vực biển Hòn Nhàn, phường Ghềnh Ráng, diện tích 5,83 ha; khu vực biển Bãi Trước xã Nhơn Châu, diện tích 20,24 ha.
Trong đó, Bãi Dứa thuộc xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) có hệ thống rạn san hô đa dạng, phong phú với diện tích trên 8 ha, trong đó, có 1 ha nằm ở vị trí cạn, gần bờ cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tháng 2/2020, UBND TP.Quy Nhơn đã quyết định giao lại khu vực Bãi Dứa cho Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã quản lý. Từ đó đến nay, các thành viên trong Tổ tiến hành cắm phao tiêu khoanh vùng, quan trắc và thường xuyên nhắc nhở người dân khai thác thủy sản, hoạt động du lịch không làm ảnh hưởng đến hệ thống rạn san hô khu vực này. Đồng thời, nghiêm cấm các tàu thuyền đánh bắt thủy sản bằng chất nổ tại khu vực có rạn san hô.
Cùng với đó, vùng rạn san hô tại những khu vực Hòn Nhàn với diện tích gần 6 ha, biển phía Tây Hòn Khô nhỏ với trên 12 ha và Bãi Trước trên 20 ha cũng được UBND TP.Quy Nhơn giao quyền quản lý, bảo vệ cho Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Ghềnh Ráng, xã Nhơn Hải và xã đảo Nhơn Châu. Thành viên trong các Tổ cộng đồng đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ vùng rạn san hô nhằm quản lý và tạo nhiều sinh kế cho người dân địa phương.
Tháng 6/2021, kết quả quan trắc đánh giá cho thấy độ phủ san hô sống tại khu vực Bãi Dứa đạt 75,6%, trong đó san hô mềm 13%; Hòn Khô nhỏ đạt 44,3%, chủ yếu là san hô cứng; rạn ở Hòn Nhàn đạt 31,8 %, chủ yếu là san hô cứng; rạn Bãi Trước đạt 23,1%.
Trong khi đó, kết quả quan trắc độ phủ san hô cứng ở biển Nhơn Châu đạt 23,1 %, so với mức 3,75% vào năm 2020, cho thấy san hô đang dần phát triển và phục hồi. Theo anh Nguyễn Hạ Lào, quan trắc viên Tổ chức cộng đồng xã Nhơn Châu, kết quả này sẽ tạo động lực để Tổ chức cộng đồng đẩy mạnh phối hợp với chính quyền tuyên truyền và tăng cường quản lý khoanh vùng bảo vệ san hô vì mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.
Nhận thấy, việc giao quyền đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng địa phương là một trong những điểm mới của Luật Thủy sản năm 2017 nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, mang lại nhiều lợi ích cho người dân vùng biển.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Hải Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản nhấn mạnh: "Đây là hoạt động cần thiết nhằm bảo vệ sinh thái rạn san hô, tạo nơi trú ẩn cho các loài thủy sản; giữ cân bằng hệ sinh thái môi trường, bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên, phát triển kinh tế thủy sản và dịch vụ du lịch biển đảo". Các rạn san hô được ví như rừng ở dưới đáy biển, với nhiều tầng và có mức độ che phủ lớn, là nơi trú ngụ, sinh nở của các loài sinh vật đáy và các loài cá. Vì thế, nếu các rạn san hô suy giảm nghiêm trọng sẽ dẫn tới hệ quả là nguồn lợi động vật đáy và cá sẽ suy giảm theo. |