Bờ biển Quảng Nam đang bị xâm thực mạnh

Mới bước vào mùa mưa bão nhưng tại nhiều khu vực trọng yếu ven sông, ven biển của tỉnh Quảng Nam, tình trạng sạt lở, xâm thực đã diễn ra nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng và tài sản của người dân.
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu hướng tăng dầnQuảng Nam: Lũ quét khiến làng mạc, hoa màu ở vùng cao ngập sâu trong nướcTình trạng ngập lụt sâu từ Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục kéo dài

Trong khi đó, các giải pháp ngăn chặn sạt lở vẫn chưa mang lại khả năng chống chịu lâu dài.

tm-img-alt
Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực thôn Trung Phường, xã Duy Hải.

Mùa mưa bão năm nay, mặc dù các cơn bão không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam nhưng cũng gây ra những thiệt hại nặng nề. Cơn bão số 5 vừa qua khiến hàng trăm mét bờ biển qua thôn Trung Phường, xã Duy Hải bị sóng “liếm” sâu, nhiều đoạn bị sạt lở  sâu vào bờ khoảng 4-5m.

Ngư dân Trần Thành (43 tuổi, trú thôn Trung Phường) cho biết, tuyến bờ biển này đã bị sạt lở từ nhiều năm nay. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, hơn 2 km bờ biển ở đây bị sạt lở và xâm thực. Trước đây từng là cồn cát cao, với rừng phi lao hàng chục năm tuổi, thế nhưng giờ đây cả rừng lẫn cồn cát đều mất tích.

“Bờ biển bị xâm thực ngày càng nhanh. Đợt bão vừa rồi, tường rào của căn nhà mới xây vừa bị đánh sập và cuốn trôi ra xa. Mỗi khi nghe cảnh báo mưa lũ là dân ở đây phải di dời đi ở tạm. Nếu cơ quan chức năng không sớm có biện pháp khắc phục, ít năm nữa thôi làng này cũng bị xóa sổ”- ngư dân Thành lo lắng.

Không chỉ mất đất, mà lượng cát trôi đã gây ra tình trạng bồi lắng, cạn luồng lạch khiến cho tàu thuyền của ngư dân gặp khó khi ra vào bến An Lương.

Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, địa phương này đã giao cho các ngành chức năng khảo sát để kiến nghị xây kè bảo vệ bờ biển. Riêng tại thôn Phương Trung hiện đang có 380 hộ dân với 1.000 nhân khẩu sinh sống nên việc đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng là rất cấp thiết.

"Thời gian qua, huyện Duy Xuyên cũng như tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp như làm kè chống sạt lở, trồng nhiều lớp cây chắn sóng ven bờ nhưng do nằm gần khu vực Cửa Đại nên tình trạng sạt lở vẫn thường xuyên diễn ra. Địa phương kiến nghị tỉnh việc xây dựng kè biển kiên cố ở đoạn này."- ông Cảnh cho hay.

Tại một địa phương khác là xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), người dân cũng đang phải gánh chịu những tác động vì biển xâm thực sau mỗi lần mưa bão. Trong vòng 5 năm, sóng biển "ngoạm"sâu vào bờ 150m khiến bờ biển Cửa Lở sạt lở nặng, hàng dương liễu chắn sóng bị quật trơ gốc, nằm ngổn ngang, nhiều hồ nuôi tôm của người dân bị cuốn phăng.

tm-img-alt
Tường rào của các hộ dân ven biển bị sóng đánh sập và cuốn trôi ra xa.

Anh Phạm Ngọc Quỳnh (31 tuổi) - một trong số những hộ nuôi tôm ven bờ Cửa Lở cho hay, 5 năm trước, số hộ nuôi tôm ở đây lên tới hàng chục. "Càng ngày, bờ biển càng bị xâm thực mạnh nên nhiều người không dám đầu tư nuôi tôm nữa. Bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ dồn vào vụ tôm có khi mất trắng chỉ sau một đêm sóng biển nổi lên, phá tan tác", anh Quỳnh chia sẻ.

Còn tại bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An), mưa lũ những ngày qua đã gây sạt lở hàng trăm mét tuyến bờ biển. Nhiều bao cát có tác dụng làm kè mềm tại khu vực này cũng bị sóng lớn đánh tan tác. Một dãy nhà hàng, khách sạn khu nghỉ dưỡng dọc biển này bị triều cường đánh sập tường rào, gây xói lở hàm ếch. Mặc dù kinh phí được chính quyền địa phương đã chi ra để thực hiện các dự án kè chống sạt lở bãi biển Cửa Đại là không nhỏ nhưng cũng chỉ giúp giảm thiểu một phần, chứ không ngăn chặn được tình trạng sạt lở đang diễn tiến ngày một phức tạp.

tm-img-alt
Những bao cát có tác dụng làm kè mềm ở Cửa Đại cũng bị sóng biển đánh tan tác.

Trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng tại biển Cửa Đại, cuối tháng 9, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định đầu tư kinh phí “khổng lồ” 200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam để triển khai thực hiện Dự án Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, dự án này đầu tư xây dựng kiên cố, nhằm khắc phục tình trạng xói lở đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và phức tạp tại biển Cửa Đại; tiến độ thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023.

tm-img-alt
Một dãy nhà hàng, khách sạn khu nghỉ dưỡng dọc biển Cửa Đại bị triều cường đánh sập tường rào, bậc thang lên xuống.

Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện là mùa mưa, biển động, không xây dựng được, do đó, Dự án Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại sẽ được triển khai đầu năm 2021 và thực hiện theo phương pháp đê chắn sóng.

Lan Anh
Theo TN&MT