Bộ GTVT đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa

Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố văn bản lấy ý kiến các bộ liên quan về việc tăng giá vé máy bay nội địa. Theo đó, mức tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều tùy theo khoảng cách từng đường bay.
Giá sàn, giá trần vé máy bay làm “nóng” nghị trường Quốc hộiBộ Tài chính nói gì trước kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay của doanh nghiệp?Các hãng hàng không chuẩn bị sẵn sàng để mở bán vé máy bay nội địa

Mức tăng trung bình là 3,75%

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Theo dự thảo khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, giá vé máy bay hạng phổ thông trên 4 đường bay nội địa sẽ tăng từ 2,27% - 6,67%, với mức tăng trung bình là 3,75% (bằng mức giá trần năm 2014).

Cụ thể, với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17. Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.

Bộ GTVT đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa - Ảnh 1
Bộ GTVT đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa.

Với các đường bay từ 500km đến dưới 850km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.

Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100.000 đồng so với quy định hiện hành. Ở khoảng cách đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành.

Cuối cùng, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280km trở lên. Con số này cao hơn quy định hiện hành 250.000 đồng.

Như vậy, mức tăng trên sẽ tác động đến các đường bay như Hà Nội - TP HCM, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Cà Mau... còn với nhóm đường bay dưới 500km như TP HCM - Đà Lạt, Hà Nội - Vinh giữ nguyên.

Mức tối đa giá dịch vụ đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ các khoản thu như: thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý.

Đề xuất là phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không

Theo tờ trình gửi đến Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cho biết số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á ngày 2/6/2023 là 85,4 USD/thùng.

Với giả định tỉ trọng chi phí nhiên liệu bay chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỉ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 10,62% so với tháng 12/2014 và tăng 23,14% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 7,87% so với tháng 12/2014 và tăng 10,92% so với tháng 8/2015.

Vì vậy, Cục Hàng không cho rằng đề xuất trên là phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam do biến động chi phí đầu vào tăng cao, nhưng đồng thời hạn chế tác động đến xã hội trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Nhà chức trách hàng không cũng cho rằng việc tăng giá trên không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé. Ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không.

Theo Tổng Cục Thống kê, việc tăng trần giá vé máy bay sẽ tác động góp phần tăng CPI năm 2023 lên khoảng 0.07 điểm phần trăm.

Cho ý kiến về đề xuất này, Thạc sĩ Nghiêm Anh Thư, Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều hãng hàng không tư nhân trên thị trường, giá vé vận chuyển nội địa đã cạnh tranh rất cao. Do vậy, khi chi phí đầu vào tăng, hãng hàng không hoàn toàn có thể kiến nghị điều chỉnh khung giá, qua đó tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ để cung cấp cho người dân.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), nêu rõ nước ta hiện có 6 hãng hàng không đang khai thác với các mô hình kinh doanh và các thành phần kinh tế khác nhau. Vì vậy, giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Tổng Thư ký VABA khẳng định việc nới trần giá vé máy bay sẽ không thể là lý do để các hãng đồng loạt tăng giá vé. Điều này chỉ giúp hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé và triển khai thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Ông Bùi Doãn Nề cũng lưu ý việc giữ trần giá vé máy bay nội địa trong 8 năm qua là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thua lỗ cho các hãng bay, nhất là sau khi dịch COVID-19 bùng phát khiến các hãng kiệt quệ. Việc này còn dẫn đến nguy cơ đe dọa không chỉ sự phát triển mà còn cả sự tồn tại của hãng bay trên thị trường.

"Ngành hàng không có tính mùa vụ. Trong giai đoạn cao điểm, các đường bay thường khai thác lệch đầu nên nếu khống chế giá trần thì hãng bay khó cân đối được hiệu quả khai thác 2 chiều, dẫn đến hệ quả thiếu động lực mở đường bay mới hoặc tăng tần suất, thậm chí lựa chọn phương án giảm chất lượng dịch vụ để giảm chi phí" - ông Nề phân tích.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành hàng không, những năm qua, giá vé máy bay chỉ có đi lên hoặc đi ngang chứ chưa bao giờ thấp”- Vị chuyên gia nhận định. Vì vậy, ông cho rằng Bộ GTVT cần tính toán kỹ thời điểm tăng giá phù hợp.

Trường hợp Bộ GTVT điều chỉnh giá, ông dự báo giá vé nội địa sẽ tăng đồng loạt: “Mức tăng của các hãng trong trường hợp được thông qua còn tùy tính toán của các hãng. Nhưng nếu tăng giá quá cao chắc chắn lượng khách đi lại sẽ giảm, khi đó thiệt hại không chỉ ngành hàng không mà cả ngành du lịch…”- vị chuyên gia này cảnh báo.

Anh Thư