Bộ trưởng Tài chính giải trình lý do NSNN có 1 triệu tỷ đồng nhưng không thể dùng?

Bộ trưởng Tài chính cho biết, số tiền này đã gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể, nên chưa sử dụng hết, chưa phân bổ hết, chứ không phải nguồn ở ngoài để dự kiến phân bổ vào việc khác.
Huy động nguồn lực ngoài ngân sách phát triển cảng biển trong 10 năm tớiCác cuộc đàm phán về ngân sách của EU kết thúc trong bế tắcNguy cơ nguồn thu ngân sách giảm do dịch COVID-19

Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Nhiều đại biểu thắc mắc vì sao tồn dư ngân sách Nhà nước 1 triệu tỷ đồng không dùng vào việc khác.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị)cho rằng, nên linh hoạt nguồn vốn đang tồn trong ngân quỹ. Cụ thể, tính đến tháng 5/2023, Ngân quỹ quốc gia tồn hơn 1 triệu tỷ đồng.

Ông Hà Sỹ Đồng cho rằng sự linh hoạt là trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tháo gỡ thủ tục hành chính để đưa tiền vào đúng địa chỉ, tức là vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính giải trình lý do NSNN có 1 triệu tỷ đồng nhưng không thể dùng? - Ảnh 1
Nhiều đại biểu thắc mắc vì sao tồn dư ngân sách Nhà nước 1 triệu tỷ đồng không dùng vào việc khác.

"Nếu những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn này mà không có thì có khi sự lãng phí này sẽ sinh ra sự lãng phí khác", ông nói.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/5, đại biểu Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM cho rằng, con số này cho thấy vốn dư thừa rất lớn mà không thể tiêu được.

Theo ông, nguồn này có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.

“Tôi nghĩ rằng nguồn lực này có thể giải quyết. Chúng ta có những giải pháp ngay về những vấn đề này thì sẽ kích hoạt nền kinh tế và đưa vốn chưa sử dụng, lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế, thay vì thực hiện những giải pháp hiện nay. Bổ sung những giải pháp này có thể kích cầu ngay cho nền kinh tế”, ông Trần Anh Tuấn nói.

Bộ trưởng Tài chính giải trình lý do NSNN có 1 triệu tỷ đồng nhưng không thể dùng? - Ảnh 2
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Giải trình về số tiền tồn dư ngân sách này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngân quỹ tồn 1,043 triệu tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đang gửi 895.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/năm tại Ngân hàng Nhà nước và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại 130.000 tỷ đồng.

"Đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia", Bộ Tài chính nói.

"Số tiền này đã có kế hoạch chi tiết cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác", ông Phớc nhấn mạnh lý do không thể dùng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng cho việc khác.

Về mô hình phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) thời gian qua được các đại biểu phản ánh hợp đồng dài, chưa rõ nên người mua đọc không kỹ nên xảy đến thua thiệt, ông Phớc cho biết Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định và Thông tư để xây dựng pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, Bộ này tập trung vào việc giúp hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi nghĩa vụ của mỗi bên, quy định rõ mức chi thưởng, quy định rõ về chi đại lý và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

"Chúng tôi đang tập trung quản lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước đã xử lý nghiêm ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm", ông Phớc nhấn mạnh.

Anh Thư