Buông lỏng quản lý, an ninh nước sạch quốc gia bị đe dọa

“Đây là câu chuyện rất lớn liên quan đến hàng trăm, hàng nghìn hộ dân, có thể được coi như thiên tai hay thảm họa. Sự cố này cần có sự ứng cứu khẩn cấp, nhưng nhìn lại toàn bộ diễn biến sự việc từ phát hiện đến ứng phó không thấy có gì gọi là khẩn cấp. Qua câu chuyện tràn dầu này, mới thấy khả năng đảm bảo an ninh nước sạch còn rất đáng lo ngại” - Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) nhận định. Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này.
Doanh nghiệp nước sạch kiếm 'siêu lợi nhuận', vì sao nợ vay lại 'đè đầu' dân?Cuộc chiến nước sạch ở chung cư: Đau đáu nỗi lo bỏ tiền mua… nước bẩn!Bê bối nước sạch tại Viwasupco: Lợi nhuận ‘lu mờ’ đạo đức kinh doanh?
buong long quan ly an ninh nuoc sach quoc gia bi de doa

Không lâu nữa, người dân sẽ không còn nước sạch để sử dụng

Từ việc tràn dầu thải ở nhà máy nước mặt Sông Ðà, phải chăng có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý nguồn nước sạch hiện nay, thưa bà?

- Bà Nguyễn Ngọc Lý: Những sự cố liên quan đến công ty cấp nước mà có nguồn nước từ Sông Ðà không phải bây giờ mới có, trước đây vài năm đã có những sự cố như vỡ ống nước xảy ra thì người dân Hà Nội ở nhiều khu vực bị ảnh hưởng cũng không có nước để sử dụng. Có quá nhiều sự cố xảy đến với cái gọi là “điều kiện sống cơ bản của người dân” như nước sạch, không khí sạch… Riêng về sự cố tràn dầu vừa qua, có thể nhận thấy được sự lúng túng của các cơ quan chức năng cũng như chính công ty chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch này. Sự lúng túng đó thể hiện ở chỗ: nước bị ô nhiễm nhiều ngày nhưng chỉ đến khi người dân sử dụng, phát hiện thấy có vấn đề rồi báo chí phản ánh thì lúc bấy giờ việc đó mới trở thành vấn đề. Ngay cả khi đó, Công ty CP Ðầu tư Nước sạch Sông Ðà và các cơ quan chức năng phản ứng chậm chạp, chưa đưa ra những phương án giải quyết và giải pháp khắc phục kịp thời. Người dân phải tự xoay sở, gây rất nhiều bất cập.

Ðây là vấn đề liên quan đến hàng trăm, hàng nghìn hộ dân, có thể được coi như là thiên tai hay thảm họa. Những sự cố này cần có sự ứng cứu khẩn cấp, nhưng nhìn lại toàn bộ diễn biến sự việc từ phát hiện đến ứng phó không thấy có gì gọi là khẩn cấp. Qua câu chuyện tràn dầu này mới thấy rất nhiều lỗ hổng về năng lực của các công ty sản xuất nước sạch cũng như các cơ quan quản lý, khả năng đảm bảo an ninh nước sạch còn rất đáng lo ngại.

Trong khi các nhà máy nước tiềm ẩn những nguy cơ về nguồn thải độc, có biện pháp nào để phát hiện sớm những chất gây ô nhiễm trong nước để ngăn chặn kịp thời?

- Bà Nguyễn Ngọc Lý: Việc phát hiện sớm những chất gây ô nhiễm trong nước phải là điều kiện bắt buộc từ công ty cung cấp nước sạch. Nếu công ty không làm được việc đó thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự. Chưa kể về nguyên tắc, việc ô nhiễm hay nhiễm bẩn nguồn nước, là sự cố “không bao giờ được phép xảy ra”, không được phép có bất kỳ rủi ro nào.

buong long quan ly an ninh nuoc sach quoc gia bi de doa
Dù sự cố tràn dầu xảy ra hơn nửa tháng, nhưng tại vị trí suối Ðồng Bãi thuộc thôn Dục (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) tiếp giáp cửa xả nước của Công ty Nước sạch Sông Ðà, nhiều lớp bùn, cặn đen ngòm vẫn còn đóng dày, đặc quánh và rất dính tay. Ảnh: Người lao động

Từ vụ việc trên có thể thấy rõ nguồn nước sạch quốc gia đang bị đe dọa. Theo bà, còn những nguyên nhân nào khác dẫn đến thực trạng này?

- Bà Nguyễn Ngọc Lý: Việt Nam vốn có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn nước ngọt dồi dào và phong phú. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là nguồn nước ngọt này đang bị ô nhiễm từ nhiều yếu tố khác nhau. Các TP lớn đang sử dụng nguồn nước mặt từ nhiều sông lớn, nhưng đầu vào của những nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt của người dân cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng bởi nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau. Trong đó, ô nhiễm từ nước thải công nghiệp chưa được xử lý đầy đủ ngày càng khó kiểm soát.

Một tác nhân khác khiến cho chất lượng nguồn nước đang xấu đi nhanh chóng chính là nguồn nước thải sinh hoạt. Hầu hết các khu đô thị của Việt Nam đều không có hệ thống xử lý nước thải đô thị. Hiện toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt đều đang được dẫn theo hệ thống cống rãnh và thoát ra sông ngòi…

Còn ở khu vực nông thôn, hoạt động sản xuất làng nghề còn thiếu đầu tư hệ thống xử lý chất thải cần thiết, những thói quen sống không thân thiện với môi trường đã khiến cho nguồn nước sông suối đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nếu như vấn đề này vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức thì có thể không lâu nữa, người dân sẽ không còn nước sạch để sử dụng.

Cần có bộ luật riêng về kiểm soát ô nhiễm nước

Ðể đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho nhân dân thì giải pháp cấp thiết cần làm là gì?

- Bà Nguyễn Ngọc Lý: Việc làm cấp bách trước mắt là các cơ quan chức năng và các công ty cấp nước phải kiểm tra rất kỹ quy trình, quá trình, xác định rủi ro, xác định mình có thể ngăn chặn rủi ro như thế nào, đảm bảo tuyệt đối nước đến người dân sử dụng là phải sạch. Ðây là một vấn đề hình sự, cần có chế tài rõ ràng. Bên công ty trực tiếp cung cấp nước phải có năng lực làm điều này. Làm thế nào là giải pháp thuộc về các cơ quan chức năng, thuộc về các nhà máy sản xuất nước, mang tính tích hợp từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ luật pháp cho đến tiêu chuẩn, quy trình, cho đến khả năng giám sát, khả năng kiểm tra, năng lực về mặt kỹ thuật, năng lực về con người,...

buong long quan ly an ninh nuoc sach quoc gia bi de doa
Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) trao đổi với PV.

Chúng ta có nên nghĩ đến một Bộ Luật riêng về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước không, thưa bà?

- Bà Nguyễn Ngọc Lý: Câu chuyện liên quan đến ô nhiễm các nguồn nước ở nước ta đã có từ lâu và càng ngày càng nghiêm trọng, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và rất nhiều luật khác có thể là chưa tạo ra nền tảng về khoa học, công nghệ, quản lý để kiểm soát các hành vi gây ô nhiễm. Ở các nước có nguồn nước sạch đều có Luật kiểm soát ô nhiễm nước và ở Việt Nam đã có nhiều khuyến cáo là cần có luật riêng để kiểm soát các chất ô nhiễm nguồn nước. Ðiều này sẽ giúp cho việc kiểm soát rủi ro ô nhiễm nước như vụ tràn dầu vào nguồn nước được tốt hơn.

Ðối mặt với nhiều vấn đề đáng lo ngại về môi trường hiện nay, như ô nhiễm không khí, nhiễm độc thủy ngân, ô nhiễm nguồn nước, có thể thấy rõ sự chậm chễ và cách xử lý khá bị động của đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp và các cơ quan chức năng, thưa bà?

- Bà Nguyễn Ngọc Lý: Chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội có 3 sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ô nhiễm hồ và ô nhiễm sông chỉ làm cá chết thôi, còn đến nước uống, không khí thì đó là những lời cảnh tỉnh rất sâu sắc cho các cơ quan quản lý nước, quản lý chất thải nước, quản lý môi trường, những người chịu trách nhiệm đảm bảo cho chất lượng môi trường. Liệu cảnh báo này có thể thúc đẩy sự cải cách nào trong công tác quản lý thì hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý của Nhà nước và các bên liên quan. Hàng loạt vấn đề ô nhiễm mang tính sống còn này cho thấy rõ, những quy định trong hệ thống luật pháp chưa hiệu quả, mang nặng tính lý thuyết, không giải quyết được triệt để gốc rễ vấn đề. Ðiều này đòi hỏi sự cải cách nghiêm túc, làm sao để luật, chính sách có tính khoa học và khả thi. Nếu đã có Luật tốt thì tiếp theo sẽ là năng lực thực thi phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý, giám sát của con người với sự hỗ trợ của khoa học và kỹ thuật.

Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Phúc Thanh - Quang Huy
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết