Không chỉ dừng lại ở những phong trào, những khẩu hiệu trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, nhiều cuộc thi về tuyên truyền bảo vệ môi trường đã được khởi động. Sau đây là 5 cuộc thi về môi trường đáng chú ý trong thời gian qua.
Cuộc thi “Plaspics Hunter - Thợ săn ảnh nhựa 2022”
Là một cuộc thi hướng tới các cá nhân và tập thể đang sinh sống trên địa bàn Việt Nam, không phân biệt giới tính, tuổi tác, quốc tịch, “Plaspics Hunter - Thợ săn ảnh nhựa 2022” nhận được sự đồng hành của GreenHub, Quỹ Vì tầm vóc Việt, Liên minh Không rác Việt Nam và sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Hơn nữa việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Ngoài ra thái độ của người dân còn thờ ơ, chưa thực sự quan tâm tới hiện trạng đáng báo động này.
Từ bối cảnh trên, cuộc thi “Plaspics Hunter - Thợ săn ảnh nhựa 2022” nhằm tìm kiếm những bức hình phản ánh chân thực hiện trạng rác thải nhựa qua ống kính sáng tạo. Những bức ảnh đó sẽ là tài nguyên để Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA) xây dựng một nền tảng số công cộng chia sẻ dữ liệu khoa học và khoa học công dân về rác thải nhựa và sức khỏe.
Cuộc thi được khởi động nhằm 3 mục tiêu chính sau:
- Thu thập 1.000 ảnh rác thải nhựa tại địa phương để Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA) xây dựng một nền tảng số công cộng chia sẻ dữ liệu khoa học và khoa học công dân về rác thải nhựa và sức khỏe.
- Nâng cao nhận thức của công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên đất nước Việt Nam về thực trạng của rác thải nhựa tác động lên môi trường.
- Khuyến khích các hành động tích cực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa và bảo vệ môi trường.
Cuộc thi phim ngắn "Màn ảnh Xanh"
"Màn ảnh Xanh" là cuộc thi hai trong một. Một là phần thi kịch bản với những kịch bản được chọn để Ban Tổ chức đầu tư một phần kinh phí sản xuất, và khi ra thành phẩm sẽ tiếp tục tranh tài cùng với những phim ngắn khác của những ai quan tâm gửi phim ngắn thời lượng tối đa 10 phút tham gia dự thi. Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng chiến dịch "Màn ảnh Xanh Việt Nam: Đường đến phát triển bền vững" do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam phát động vào tháng 1/2022.
Cuộc thi phim ngắn "Màn ảnh Xanh" đã diễn ra buổi thuyết trình (Film pitching) với 21 dự án vào ngày 10/5/2022 tại cơ sở 2 trường Đại học Kinh tế TP.HCM kết hợp trực tuyến đầu cầu Hà Nội. Theo đó, các kịch bản dự án phim ngắn tham gia cuộc thi có nhiều thể loại từ phim hoạt hình, phim tài liệu, phim truyện cho đến phim khoa học. Các tác giả và nhóm tác giả đa phần tuổi đời rất trẻ, phần lớn là sinh viên các trường đại học.
Nội dung các dự án xoay quanh góc nhìn khác nhau về chủ đề môi trường và bảo vệ môi trường. Trong suốt vòng thuyết trình, các giám khảo đóng góp ý kiến tận tình cho từng dự án trước khi chọn lựa ra ít nhất 6 dự án để Ban Tổ chức đầu tư một phần kinh phí tối đa 20 triệu đồng hỗ trợ hoàn thành phim dự thi.
"Ban Tổ chức rất vui mừng vì có đông các bạn trẻ tham gia gửi kịch bản - dự án phim dự thi, điều này chứng tỏ giới trẻ rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường. Vui mừng hơn là từ một chủ đề mang tính quốc gia và quốc tế là "bảo vệ môi trường để phát triển bền vững", các tác giả đã thể hiện những câu chuyện, suy nghĩ rất gần gũi với cuộc sống, nhiều kịch bản có những ý tưởng sáng tạo” - TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam, cho biết.
Cuộc thi “Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng”
Theo kết quả khảo sát của GreenHub (2021) trong dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại 10 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam, 93,6% rác thải bị rò rỉ ra ngoài môi trường là nhựa. 10 loại rác thải bị rò rỉ ra ngoài môi trường nhiều nhất là Mảnh nhựa mềm (các mảnh phân rã từ túi nylon); Ngư cụ 1 (dây thừng, mảnh lưới, mồi nhử, dây câu, phao nhựa cứng); Ngư cụ 2 (Phao xốp nổi, thùng xốp); Túi nylon (có sức chứa từ 0 - 5 kg); Hộp xốp đựng thức ăn; Mảnh nhựa cứng; Ống hút nhựa; Bao bì thực phẩm (mì gói, mì tôm); Bao bì bánh kẹo và Các loại nhựa khác (tã, bỉm...).
Từ bối cảnh trên, VSF và GreenHub quyết định đồng tổ chức cuộc thi “Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng” nhằm mục đích tìm ra các sản phẩm truyền thông sáng tạo và có sức lan tỏa đến cộng đồng. Cuộc thi có sự đồng hành của nhóm “Mắt Xanh - Thanh niên vì Môi trường”. Các sản phẩm đạt giải sẽ được sử dụng trong các hoạt động truyền thông phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thông qua hoạt động này, cuộc thi muốn nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên niên và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa cũng như khuyến khích các hành động nhỏ và thiết thực trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội khơi dậy niềm đam mê, khả năng sáng tạo của thanh thiếu niên với các sản phẩm truyền thông về chủ đề “Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng”.
Cuộc thi “Bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu Trái đất”
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phát động cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề “bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu Trái đất”, với ba thể loại là nhiếp ảnh, vẽ tranh và vẽ tranh công nghệ. Mục đích của cuộc thi nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone và phòng chống dịch bệnh của cộng đồng xã hội.
Cuộc thi cũng hướng tới việc nêu bật mối liên hệ giữa việc bảo vệ tầng ozone và biến đổi khí hậu, những hoạt động, thành tựu đạt được của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và các Bản sửa đổi, bổ sung trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal nhiều năm qua.
Ngoài ra, cuộc thi nhằm huy động sự ủng hộ của cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) và loại trừ dần các chất HFC (hydrofluorocarbon); tăng cường hợp tác với UNEP và cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone.
Yêu cầu về nội dung của tác phẩm dự thi phải thể hiện được các thành tựu, hành động, trách nhiệm và lợi ích liên quan đến việc thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali; phản ánh chủ đề Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2021, các hoạt động hưởng ứng phong trào phòng, chống dịch Covid-19.
Cuộc thi ảnh về “Câu chuyện rác nhựa”
Việt Nam đang ở Top 5 nước thải rác nhựa xuống biển nhiều nhất thế giới và đang phải đối mặt với thảm họa “ô nhiễm trắng”. Tác hại nguy hiểm nhất của rác nhựa chính là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật…
Trước thực trạng đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phát động cuộc thi ảnh “Câu chuyện rác nhựa”. Cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc quản lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng, qua đó để người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn những tác động tiêu cực của việc quản lý chất thải không đúng cách với sức khỏe con người và môi trường.
Cuộc thi được phát động từ ngày 5/2/2021 với các tác phẩm dự thi không hạn chế số lượng, được chụp từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/4/2021, ghi rõ địa điểm chụp hoặc khuyến khích đính kèm link Google Map địa điểm chụp khi gửi bài.
Đặc biệt, ảnh dự thi tập trung phản ánh tình trạng rác thải tràn lan, không được xử lý đúng cách ở Việt Nam, hay phản ánh tình trạng rác nhựa đại dương, tác hại của rác thải nhựa tới môi trường, tới hệ sinh thái và con người ở Việt Nam, các giải pháp xử lý rác thải được áp dụng tại nước ta... Cuộc thi ưu tiên những bức ảnh được chụp tại các tỉnh Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng và Quảng Ninh.
Lan Anh