Các đại gia bất động sản nghĩ gì về “tháng cô hồn”?

Chủ tịch FLC chia sẻ, tháng Ngâu năm nay vẫn sẽ tiếp tục khởi công và ký kết nhiều công trình, hợp đồng lớn. Còn ông chủ Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, nếu cứ để quan niệm kiêng kỵ ám ảnh sẽ mất cơ hội làm ăn...
Doanh thu tài chính hơn 1.000 tỉ đồng đã “kéo” lãi cho FLCThị trường bất động sản hấp thụ tốt, nhà giá rẻ bị đẩy giá caoĐiểm mặt đại gia bất động sản mang dự án đi thế chấp ngân hàng

Theo quan niệm dân gian, nhiều khách hàng có tâm lý e ngại xuống tiền mua bất động sản trong tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng “ngâu”, tháng “cô hồn”. Nhiều người khuyên nhau không nên làm các việc trọng đại trong tháng 7 như động thổ, khởi công, hay mua bán nhà cửa, các tài sản có giá trị lớn, nhất là chuyển nhà… Thế nhưng, đối với một số đại gia bất động sản thì lại cho rằng, tháng 7 âm lịch chính là tháng bán được nhiều hàng nhất.

cac dai gia bat dong san nghi gi ve thang co hon
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC cho biết, vẫn sẽ tiếp tục khởi công và ký kết nhiều công trình, hợp đồng lớn vào tháng Ngâu năm nay.

Chia sẻ trên Facebook cá nhân, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho hay: “Cứ tới tầm này mọi năm, đề tài “kiêng kỵ việc lớn, việc nhỏ” trong tháng Ngâu lại được đem ra bàn tán trong các cuộc chuyện trò giữa tôi và nhiều bạn bè anh chị em.

Tôi luôn chỉ có một câu trả lời với tất cả mọi người: Nhìn lại 18 năm qua kể từ khi khởi nghiệp, nhiều quyết định quan trọng và hiệu quả nhất đối với cá nhân tôi và công ty đều đã được đưa ra chính trong các tháng Ngâu”.

Chủ tịch FLC cho biết, quan niệm về ngày, tháng tốt/xấu rất đơn giản: cứ làm việc với tâm tốt, mục đích tốt, có ích cho bản thân, gia đình, công ty và xã hội thì Trời, Phật chắc chắn sẽ thương, sẽ “độ”, ngày nào cũng là ngày lành, tháng nào cũng là tháng tốt.

Ông Quyết tiết lộ, ngay tháng Ngâu năm nay, vẫn sẽ tiếp tục khởi công và ký kết nhiều công trình, hợp đồng lớn.

“Thời gian không chờ đợi ai và một năm quay đi quay lại cũng chỉ có 12 tháng. Năng suất lao động, thời gian và chất lượng công việc của chúng ta thì vẫn đang rất vất vả cạnh tranh với ngay cả nhiều nước trong khu vực. Không nên để nó tiếp tục bị tụt hậu xa hơn bởi quá nhiều những niềm tin vu vơ không sở cứ”, chủ tịch FLC chia sẻ.

Năm 2019, FLC đặt kế hoạch doanh thu 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 570 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, FLC đã đề ra định hướng và chiến lược phát triển cụ thể trong năm 2019 cho 4 trụ cột kinh doanh bao gồm bất động sản, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và sân golf, dịch vụ vận tải hàng không và xây dựng, khai khoáng.

Mới đây, CTCP Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 với doanh thu thuần 3.255 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn từ mức 2.640 tỷ đồng lên 3.306 tỷ khiến cho lợi nhuận gộp của FLC âm xấp xỉ 51 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái tập đoàn này lãi trên 347 tỷ đồng.

Cùng chung quan điểm với Chủ tịch FLC về vấn đề kiêng kỵ tháng "cô hồn", ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề kiêng kỵ làm những việc lớn như mua nhà, chuyển nhà trong tháng Ngâu mấy năm gần đây mọi người đã không còn đặt nặng lắm do xã hội ngày càng hiện đại. Cá nhân ông Toản, vì cũng thuộc thế hệ trẻ nên ông cho biết không quá quan tâm đến những vấn đề kiêng kỵ.

“Nếu cứ để quan niệm kiêng kỵ ám ảnh sẽ làm ảnh hưởng, thậm chí mất cơ hội làm ăn; đặc biệt là với đối tác nước ngoài. Tôi nghĩ dần dần rồi mọi thứ sẽ thay đổi, đất nước và nền kinh tế đều đang hòa nhập với thế giới nên chúng ta phải thích nghi. Không có lý do gì phải hạn chế hoặc dừng công việc vì một quan niệm cũ”, ông Toản chia sẻ trên tờ Infonet.

Hơn nữa, theo ông Toản, đối tượng mua nhà hiện phần lớn là thế hệ 7x-8x nên suy nghĩ khá thoáng, nhưng đối với những người có tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” thì họ vẫn thường đặt cọc mua nhà, thanh toán tiền trong tháng âm nhưng lùi lịch ký hợp đồng nhà sang tháng sau.

Theo nhận định của đại diện một số đơn vị phân phối, thị trường bất động sản hiện đã không ngại “tháng cô hồn”, việc kiêng khem của người mua nhà cũng dần trở nên nhẹ nhàng hơn. Việc một số đơn vị tiến hành mở bán ngay trước “tháng cô hồn” cũng không phải để tránh thời điểm nhạy cảm. Bởi lẽ, hoạt động mua bán thực tế sau đó sẽ diễn ra chủ yếu trong “tháng cô hồn”.

Bên cạnh đó, một yếu tố dù nhỏ nhưng cũng có tác động tâm lý tới thị trường là sức cầu nhà ở từ người nước ngoài và Việt kiều đang tăng mạnh. Mà những đối tượng này hẳn khá xa lạ với câu chuyện kiêng cữ tháng 7 Âm lịch.

Xuân Đoàn
Xuân Đoàn
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết