Theo Hội chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ thế giới (IFRC), các nhà khoa học thuộc nhóm Phân tích Thời tiết Thế giới đã nhất trí tiến hành một nghiên cứu chi tiết về lượng mưa cực đoan ở Việt Nam, vốn phần lớn là kết quả của các cơn bão nhiệt đới.
Các báo cáo cho thấy đợt mưa cực đoan xảy ra tại Việt Nam hiện làm gián đoạn cuộc sống của khoảng 1,5 triệu người.
Trong tuần này, công tác nghiên cứu bắt đầu với việc ''định nghĩa về sự kiện thời tiết'' - thiết lập chính xác các thông số về không gian và thời gian của đợt mưa trong nghiên cứu và số liệu đi kèm.
Trước đó, nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu về lượng mưa cực đoan ở một số địa phương khác trên thế giới, ví dụ như cơn bão nhiệt đới Imelda ở Texas, lượng mưa theo mùa cực đoan ở Nhật Bản và bang Kerala của Ấn Độ vào năm 2018 và lũ lụt năm 2017 ở Bangladesh.
Theo IFRC, mực nước các sông ở miền Trung như sông Hiếu, sông Bồ, sông Gianh và sông Kiến Giang đều ''đạt mức cao lịch sử và tại một số địa điểm, nước lũ vượt quá mức cao lịch sử trước đó được ghi nhận vào năm 1979 hoặc 1999.''
Từ tháng 10 đến nay, bão lũ đã liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bão Molave là cơn bão gần đây nhất đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào tuần trước, cơn bão thứ 9 trong năm nay, kéo theo nhiều tuần mưa xối xả và lở đất.
Tình trạng ''bão chồng bão,'' ''lũ chồng lũ'' chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, sản xuất của hàng triệu người dân tại các địa phương thuộc miền Trung.
Cụ thể, 235 người chết và mất tích (riêng bão số 9 Molave khiến 80 người thiệt mạng); trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (riêng bão số 9 là trên 177.000 ngôi nhà).
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm hơn 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở (riêng bão số 9 làm sạt lở 744.000 m3), gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, cả quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên thôn, liên xã, gây khó khăn lớn cho công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn.
Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỉ đồng, trong đó, riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỉ đồng (chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở).