Các rạn san hô suy giảm nghiêm trọng đe dọa cuộc sống hàng triệu người

Theo một nghiên cứu mới do Đại học British Columbia dẫn đầu, năng lực của các rạn san hô trong việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho hàng triệu người trên thế giới đã giảm một nửa kể từ những năm 1950.
Cảnh báo hơn 90% các rạn san hô trên thế giới 'lâm nguy' trong vài thập kỷ tớiSự cố dầu loang đe dọa rạn san hô lớn thứ hai thế giới tại Brazil

Hệ sinh thái rạn san hô rất quan trọng đối với các khu vực ven biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ và người bản địa. Chúng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái như thực phẩm, cơ hội sinh kế, hấp thụ carbon và bảo vệ con người khỏi những cơn bão.

Các nghiên cứu cung cấp cái nhìn toàn diện đầu tiên về việc biến đổi khí hậu và khai thác quá mức đã làm mất môi trường sống của các rạn san hô. Nhìn chung, các phát hiện cho thấy rằng sự mất mát đáng kể về độ che phủ của rạn san hô đã dẫn đến sự mất mát đáng kể không kém về khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái của rạn san hô đối với con người.

Các rạn san hô suy giảm nghiêm trọng đe dọa cuộc sống hàng triệu người - Ảnh 1
Các rạn san hô có khả năng cung cấp lương thực, sinh kế... ít hơn 50% so với những năm 1950. (Ảnh minh họa)

Các tác giả phát hiện ra rằng, độ bao phủ toàn cầu của san hô sống đã giảm khoảng một nửa kể từ những năm 1950 và do đó, tính đa dạng của các loài cũng giảm hơn 60%.

“Đó là lời kêu gọi hành động - chúng tôi đã nghe hết lần này đến lần khác từ nghiên cứu về thủy sản và đa dạng sinh học”, tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Tyler Eddy cho biết.

Theo Tiến sĩ Eddy, sự suy giảm liên tục của các rạn san hô khỏe mạnh đang góp phần làm giảm cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho hàng triệu người trên toàn cầu.

“Chúng tôi biết các rạn san hô là điểm nóng về đa dạng sinh học. Và bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ bảo vệ thiên nhiên, mà còn hỗ trợ con người sử dụng các loài này cho các phương tiện văn hóa, sinh hoạt và sinh kế”, Eddy cho biết thêm.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích xu hướng của các hệ thống rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan trên toàn thế giới, kết hợp các bộ dữ liệu từ các cuộc khảo sát rạn san hô.

Bên cạnh đó, họ đã ước tính đa dạng sinh học liên quan đến rạn san hô, tác động của nghề cá đối với rạn san hô... Họ cũng phân tích xu hướng toàn cầu và cấp quốc gia trong các dịch vụ hệ sinh thái.

Cùng với sự suy giảm độ bao phủ của rạn san hô và đa dạng sinh học, các nhà nghiên cứu nhận thấy sản lượng đánh bắt cá trên các rạn san hô đạt đỉnh vào năm 2002 và giảm dần kể từ đó, mặc dù nỗ lực đánh bắt đã gia tăng. Sản lượng đánh bắt trên một đơn vị nỗ lực, thường được sử dụng như một dấu hiệu của những thay đổi trong sinh khối, hiện đã thấp hơn 60% so với năm 1950.

“Nghiên cứu này nói lên tầm quan trọng của cách chúng ta quản lý các rạn san hô không chỉ ở quy mô khu vực mà còn ở quy mô toàn cầu, và sinh kế của các cộng đồng sống dựa vào chúng”, tác giả cao cấp, Tiến sĩ William Cheung, Giám đốc của IOF cho biết .

Phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu kết luận rằng, sự suy thoái của rạn san hô trong những năm tới đang đe dọa sự phát triển bền vững và hạnh phúc của các cộng đồng người trên bờ biển phụ thuộc vào rạn san hô.

Các rạn san hô suy giảm nghiêm trọng đe dọa cuộc sống hàng triệu người - Ảnh 2
Sự suy thoái của các rạn san hô ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Đồng tác giả, Tiến sĩ Andrés Cisneros-Montemayor, một cộng sự nghiên cứu của IOF tại thời điểm nghiên cứu cho biết, nghiên cứu nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi thật đau lòng khi xem những bức ảnh và video về cháy rừng hoặc lũ lụt. Mức độ tàn phá đó cũng đang diễn ra ngay bây giờ trên khắp các rạn san hô trên thế giới và đe dọa nền văn hóa, thức ăn hàng ngày... của con người. Đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề nhân quyền”.

Việc đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, phát thải và giảm tác động cục bộ có thể làm giảm mức độ suy thoái đối với các rạn san hô.

Tiến sĩ Cheung cho biết: "Việc tìm kiếm các mục tiêu phục hồi và thích ứng với khí hậu sẽ đòi hỏi một nỗ lực toàn cầu, đồng thời giải quyết các nhu cầu ở cấp địa phương".

"Các hành động giảm nhẹ khí hậu, chẳng hạn như các hành động được nêu rõ trong Thỏa thuận Paris, Nền tảng chính sách-khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái và Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, tất cả đều kêu gọi hành động để giải quyết các thách thức đa dạng sinh học, khí hậu và xã hội", Cheung nói thêm.

Nguyễn Luận