Cải tiến phương thức hoạt động để VUSTA ngày càng vững mạnh

Sáng 8/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tọa đàm “Cơ sở thực tiễn hình thành phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam”.

Buổi Tọa đàm do Th.S Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký VUSTA làm chủ tọa. Tham dự tọa đàm có PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA; GS-TSKH Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; TS. Phan Tùng Mậu - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra VUSTA Khóa VII;

NGND.GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm - Nguyên Trưởng khoa Văn bản và Công nghệ hành chính thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lực cộng đồng Nhân văn thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Trưởng ban Nghiên cứu khoa học thuộc Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam;

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng; PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; Cùng sự có mặt của các nhà khoa học, chuyên viên nghiên cứu của VUSTA.

Cải tiến phương thức hoạt động để VUSTA ngày càng vững mạnh - Ảnh 1
Toàn cảnh Tọa đàm "Cơ sở thực tiễn hình thành phương thức hoạt động của Liên hiệp Các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam" sáng 8/10.

Phát biểu tại Tọa đàm, NGND.GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm đã trình bày về quá trình hình thành và phát triển của VUSTA. Theo NGND.GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm, sau gần 40 năm ra đời và phát triển, VUSTA đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, khẳng định được vai trò của mình trong giới trí thức nước nhà.

Theo NGND.GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm, cần hoàn thiện cơ chế hoạt động của VUSTA trong thời gian tới, nhằm xây dựng được một cơ chế chung cho các hoạt động nghiên cứu khoa học trên mọi lĩnh vực. Thông qua cơ chế đó, nói lên sự đóng góp của tập thể các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội với các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương theo các tuyến tương ứng với phạm vi và vấn đề được nghiên cứu.

NGND.GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm chia sẻ, chúng ta có thể tổ chức chọn và đánh giá việc thực hiện một số chính sách lớn trong thực tế để đóng góp cho Đảng và Nhà nước về những vấn đề được và chưa được qua thực tế.

Cải tiến phương thức hoạt động để VUSTA ngày càng vững mạnh - Ảnh 2
Theo NGND.GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm, VUSTA cần hoàn thiện cơ chế hoạt động, xây dựng cơ chế chung cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu.

NGND.GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm cũng đề nghị Liên hiệp Hội làm đầu mối đề nghị với Quốc hội khởi động lại toàn diện Chương trình cải cách nền hành chính Nhà nước hiện rất còn dang dở, nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Trong khi đó, TS. Phan Tùng Mậu - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra VUSTA Khóa VII tham gia đóng góp ý kiến xây dựng xung quanh vấn đề đổi mới phương thức hoạt động của VUSTA trong giai đoạn hiện nay.

TS. Phan Tùng Mậu đã chỉ ra những mặt được và chưa được trong quá trình phát triển của VUSTA trong thời gian qua. TS. Phan Tùng Mậu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để VUSTA nói riêng, giới trí thức Việt Nam nói chung khẳng định vai trò, vị thế của mình trong quá trình phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu của VUSTA góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cải tiến phương thức hoạt động để VUSTA ngày càng vững mạnh - Ảnh 3
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA Khóa VIII tham luận tại Tọa đàm.

Trong khi đó, theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, sau thành công của Hội nghị "Diên Hồng" của giới trí thức mới đây, VUSTA cần tổ chức các Hội nghị Diên Hồng nhỏ của các nhà khoa học, trí thức theo từng khối, ngành nghiên cứu khoa học, từng địa phương, định hướng phát triển cho các khối ngành nghiên cứu của Khoa học cơ bản, qua đó phát huy được vai trò của các nhà khoa học của từng khối, ngành, địa phương trong quá trình tham gia góp ý, xây dựng, phản biện các vấn đề xã hội, chính sách mới của Đảng, Nhà nước.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến cũng đề nghị VUSTA cần cải tiến phương thức hoạt động để nâng cao vai trò của mình trong giới trí thức, nghiên cứu khoa học, đưa khoa học vào thực tiễn trong thời gian tới.

Tham luận tại Tọa đàm, PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh - Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng đã chỉ ra những thách thức gay gắt đang đặt ra đối với quá trình phát triển đất nước theo mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) liên quan đến vai trò lãnh đạo và vai trò tư vấn, phản biện xã hội. PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh cũng phân tích yêu cầu chuyển từ mô hình “quản lý nhà nước” truyền thống, sang xây dựng mô hình của một “nền quản trị hiện đại, trong đó, 3 lực lượng dẫn dắt xã hội là Chính khách, Doanh nhân và Trí thức.

Theo PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, Liên hiệp Hội cần đổi mới vai trò, phương thức hoạt động từ một “tổ chức trí thức vận” của Lãnh đạo, thay mặt Nhà nước để “quản lý” trí thức, nay cần trở thành một tổ chức “tập hợp trí thức”, là “cầu nối” giữa trí thức và Lãnh đạo nhà nước; Là một tổ chức tập hợp trí tuệ, tư duy của đội ngũ trí thức, thúc đẩy phát triển tổ chức đặc biệt trong tư vấn, phản biện xã hội.

Cải tiến phương thức hoạt động để VUSTA ngày càng vững mạnh - Ảnh 4
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái tin tưởng VUSTA sẽ đạt được nhiều thành tựu trong nhiệm kỳ này.

Tham luận tại Tọa đàm, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã tóm lược những thành tựu lớn mà VUSTA đã đạt được trong nhiệm kỳ VII. Tuy nhiên GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cũng chỉ ra nhiều bất cập về công tác tổ chức của VUSTA:

"Riêng tổ chức các đơn vị trực thuộc VUSTA còn quá nhiều, dường như không theo tiêu chí thống nhất. Nên chăng, chuyển nhiều đơn vị hiện trực thuộc về các Hội ngành đã có hoặc lập Hội ngành mới. Cơ quan VUSTA sau kiện toàn sẽ được tăng cường cả chức năng, vị trí, biên chế, nguồn lực, nhưng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực hiệu quả hơn".

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái tin rằng VUSTA sẽ có nhiều chuyển biến, hoạt động tích cực trong nhiệm kỳ này giống như những thành tựu đã đạt được trong những nhiệm kỳ vừa qua.

Thanh Tân