Cần giữ lại dấu tích lịch sử - Trạm phát sóng Bạch Mai

Nhiều người dân tỏ tiếc nuối khi công trình này sắp bị phá dỡ.
Bộ VHTT&DL và Hà Giang 'vênh nhau' về Khu du lịch tâm linh Lũng CúPhú Yên: Khai quật di tích cổ Chăm Pa

Căn biệt thự Pháp cổ thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai ở địa chỉ 128C phố Đại La, được xây dựng từ năm 1912, nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ ra thế giới vào ngày 7/9/1945, sẽ bị tháo dỡ để phục vụ dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Những ngày gần đây, khi công trình này sắp bị phá dỡ thì nhiều người dân tỏ ra tiếc nuối, đặc biệt là những người đã gắn bó nhiều năm với tòa nhà cổ và có giá trị lịch sử cách mạng này.

Toà nhà được xây dựng vào năm 1912, nằm trong quần thể 4 tòa nhà cổ. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ còn khu nhà chính từng là trạm phát sóng phát thanh Bạch Mai còn nguyên vẹn. Năm 1976, căn biệt thự cổ này được phân cho hai gia đình cán bộ cấp cao của Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời cũng là những nhân vật lịch sử quan trọng, đó là vợ chồng ông Lý Văn Sáu và vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhất - bà Dương Thị Ngân (phát thanh viên đầu tiên của Đài TNVN).

can giu lai dau tich lich su tram phat song bach mai
Căn biệt thự Pháp cổ thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai ở địa chỉ 128C phố Đại La.

Bà Nguyễn Khánh An (64 tuổi), con gái nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, là một trong những người còn sinh sống trong toà biệt thự chia sẻ, hiện kiến trúc ngôi nhà vẫn gần như nguyên vẹn. Chính tại căn phòng khách tầng 1, vào ngày 7/9/1945, ông Nguyễn Văn Nhất và bà Dương Thị Ngân, đã đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ. Đây là một ngôi nhà không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn chứa đựng những thời khắc lịch sử, nơi có những con người làm nên lịch sử từng ngồi tại đây.

Bà An chia sẻ: “Nơi đây có rất nhiều kỷ niệm. Cốt của ngôi nhà hơn 100 năm nhưng vẫn chắc chắn, nên thực sự phá đi thì phí quá. Chúng tôi sẵn sàng chuyển đi chỗ khác để giữ lại ngôi nhà này cho thành phố làm một di tích lịch sử. Nếu ngôi nhà bị phá đi, tôi cảm thấy vô cùng đau xót, phải chăng người ta không biết trọng lịch sử? Những cái gì đáng phá thì phá, nhưng những gì đáng giữ thì nên giữ”.

Những ngày gần đây, rất nhiều kiến trúc sư, sinh viên đại học kiến trúc, họa sĩ và tới đây lưu lại hình ảnh về công trình lịch sử này. Là một người dân sống gần ngôi biệt thự cổ, anh Đặng Văn Thịnh cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp để giữ lại ngôi biệt thự bởi giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc của tòa nhà.

Anh Thịnh nói: “Tòa nhà rất có ý nghĩa về lịch sử. Hơn nữa kiến trúc cũng rất đẹp, như vậy mang cả ý nghĩa văn hóa nữa. Về mặt kỹ thuật có thể sửa đi để giữ lại, điều này rất quý. 10 năm, 20 năm nữa, thế hệ sau nhìn ngôi nhà sẽ rất thích. Phá đi thì rất dễ, để giữ lại được mới tuyệt vời cho bây giờ và cho mai sau”.

Trước sự việc này, ngày 17/12, Tổng giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ đã ký công văn gửi UBND thành phố Hà Nội kiến nghị xem xét bảo tồn ngôi biệt thự thuộc trạm phát sóng Bạch Mai, mong muốn phối hợp cùng thành phố Hà Nội tìm giải pháp. Khẳng định Đài Tiếng nói Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, trong đó có hoạt động chỉnh trang, phát triển hệ thống giao thông đô thị nhằm từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đang rất trầm trọng hiện nay. Tuy nhiên, với một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia như Trạm phát sóng Bạch Mai, Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị UBND thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch: giữ lại tòa nhà ở vị trí hiện tại, hoặc di chuyển tòa nhà sang một vị trí khác, hoặc giữ lại một phần của tòa nhà, chỉnh trang thành địa chỉ lịch sử về trạm phát sóng Bạch Mai…

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, với những công trình đã đi vào một phần ký ức dân tộc như biệt thự trạm phát sóng Bạch Mai thì chúng ta rất cần có hình thức bảo tồn phù hợp.

Ông Nguyễn Thế Kỷ nói: “Vừa rồi, không chỉ các chuyên gia trong nước mà các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng có thể có các biện pháp để di dời. Tôi nghĩ rằng về mặt kỹ thuật không khó, chi phí cũng không phải là lớn nhưng chúng ta giữ lại một địa chỉ cần phải giữ. Nếu làm được như thế sẽ hài hòa và tốt hơn. Chúng tôi đã gửi công văn cho cả UBND thành phố Hà Nội và gửi cho Chính phủ có ý kiến với Hà Nội nên tìm giải pháp. Chúng tôi cũng chưa nghĩ được giải pháp nào căn cơ, cụ thể nhưng chúng tôi chỉ nêu một gợi ý từ việc dư luận và báo chí nêu ra thì chúng ta nên tìm giải pháp nào thỏa đáng nhất”.

Theo Kim Thanh/VOV