Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, dài 99 km, đi qua địa phận hai tỉnh Bình Thuận (48 km) và Đồng Nai (51 km), được khởi công cuối tháng 9/2020.
Toàn tuyến chia thành bốn gói thầu xây lắp (từ 1-XL đến 4-XL), có 18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt đường ngang dân sinh. Ban quản lý Dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án được xây dựng theo quy mô bốn làn xe với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, suốt tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có 6 nút giao, 65 cầu (18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt ngang tuyến) đã hoàn thành. Toàn bộ mặt đường đã thảm nhựa tạo nhám láng bóng, dải phân cách ở giữa đã hoàn chỉnh. Nhiều đoạn tài xế chạy tốc độ 110km/giờ nhưng khá êm ái, ít tiếng ồn. Tuy nhiên, dọc tuyến vẫn còn nhiều đoạn công nhân đang tất bật lắp đặt, cân chỉnh lan can, rào chắn, biển báo, khe co giãn các cầu và đổ bê tông chống sạt lở taluy…
Về vấn đề này, chỉ huy trưởng thi công gói thầu XL02 đoạn qua huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) thuộc Tập đoàn Cienco 4 Trần Văn Sơn cho biết, các cầu vượt ngang trên tuyến đã thi công xong, tuyến chính đã hoàn thiện thảm bê tông nhựa tạo nhám và các khe co giãn các cầu. Hiện, các đơn vị thi công kiểm tra các hạng mục an toàn giao thông, chờ ngày thông xe.
Theo Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây Phạm Hùng Thái, tuyến chính và toàn bộ nút giao đảm bảo sẽ đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2023. Nhằm đảm bảo tiến độ, ban điều hành đã yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực làm việc ngày đêm suốt nhiều tháng qua để hoàn thành dự án như đã cam kết. Các nhà thầu thường xuyên kiểm tra, rà soát từng phần việc, từng hạng mục thi công 24/24 giờ.
“Công tác thảm bê tông nhựa tạo nhám, lắp đặt khe co giãn các cầu trên tuyến chính, hệ thống biển báo, sơn kẻ đường, dải phân cách, chống chói, rào bảo vệ hành lang tuyến, rãnh thoát nước, đổ bê tông kè chống sạt lở đã hoàn thành.
Đối với các đường dẫn nút giao, đầu cầu vượt ngang, đường dân sinh chưa thể hoàn thành, các đơn vị quản lý dự án sẽ phối hợp với địa phương về phương án tổ chức giao thông đảm bảo an toàn và không cản trở việc đi lại của người dân”, ông Thái khẳng định.
Ông Uông Việt Dũng, chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian khánh thành và khai thác các đoạn cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Phan Thiết đã thay đổi so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, đối với đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, bộ thống nhất phương án khánh thành sáng 29/4 và đưa vào khai thác chiều cùng ngày.
Như vậy, kế hoạch điều chỉnh sớm hơn một ngày so với trước để người dân sớm lưu thông trước lễ 30/4 và đáp ứng nhu cầu du lịch tại tỉnh Bình Thuận.
Trước đó,về thời hạn về đích của dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắngđãnhấn mạnh:“Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã lùi một lần rồi nên lần này phải kiên quyết hoàn thành để chúng ta còn tập trung vào việc khác.
Tôi không có quan điểm cho dự án này lùi bất cứ một ngày nào, chỉ chậm nhất ngày 30/4 phải xong. Một lần nữa, tôi nhắc lại dự án cao tốc này phải đảm bảo khánh thành đúng thời điểm ngày 30/4 như đã cam kết với Chính phủ, với Thủ tướng Chính phủ”.
Vũ Vũ