Mỏ dầu Bạch Hổ. (Ảnh: Trần Minh Sơn/TTXVN) |
Với Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị phê duyệt tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục phải đối mặt với các thách thức lớn khi thực hiện nhiệm vụ tiên quyết là tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí để duy trì hoạt động khai thác, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vẫn vướng mọi bề
Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành dầu khí sẽ phải hiện thực hoá mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Cụ thể, trong 10 năm tới đây (từ 2021-2030), mục tiêu đặt ra với ngành dầu khí là đảm bảo cung cấp khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi; đến năm 2045 khoảng 320-350 triệu tấn quy dầu.
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ đầy thách thức với PVN trong bối cảnh công tác tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí trong 3 năm lại đây của Tập đoàn vẫn đầy bế tắc khiến cho việc khai thác dầu khí hiện đang "ăn" vào tương lai.
Báo cáo của PVN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 cho thấy, việc gia tăng trữ lượng dầu khí đã sụt giảm cực lớn trong 5 năm lại đây, từ mức 40,5 triệu tấn vào năm 2015 xuống còn 12 triệu tấn vào năm 2018 và 13,38 triệu tấn vào năm 2019.
Vì vậy, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác năm 2019 chỉ đạt 0,63 lần và là năm thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2016 tới nay hệ số này tiếp tục ở mức báo động, không đảm bảo phát triển bền vững.
Cũng trong năm 2019, các doanh nghiệp dầu khí chỉ thực hiện được 11 giếng khoan thăm dò, thẩm lượng và chỉ bằng 30% về số lượng nếu so với giai đoạn 2012-2015.
Đặc biệt, trong khi các phát hiện mới không dồi dào so với giai đoạn trước thì các mỏ đang khai thác lại bị suy giảm với tốc độ nhanh hơn so với dự kiến.
Theo Liên doanh Việt Nga (Vietsovopetro), các mỏ dầu đang khai thác của Vietsovpetro đang ở giai đoạn cuối, tốc độ sụt giảm sản lượng dầu do suy giảm năng lượng vỉa, độ ngập nước của các giếng ngày càng cao; số lượng các giếng tiềm năng để khai thác ngày càng ít, chủ yếu là các đối tượng cận biên (mỏ bị giới hạn về mặt hiệu quả kinh tế khi khai thác) chứa nhiều rủi ro.
Tương tự như vậy, một đơn vị chủ lực khác của PVN là Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng đang đối mặt với tình trạng các mỏ chủ lực suy giảm sản lượng đòi hỏi phải có giải pháp kỹ thuật, đầu tư mới để duy trì sản lượng tối ưu.
Tháo gỡ đồng bộ
Để hoàn thành các nhiệm vụ về gia tăng trữ lượng dầu khí và sản lượng khai thác, năm 2020, Vietsovpetro sẽ tập trung nghiên cứu tài liệu địa chấn 3D/4C trên Lô 09-1 nhằm chính xác hóa cấu trúc địa chất, đặc điểm tầng chứa dầu để chuẩn bị cơ sở địa chất lựa chọn vị trí giếng khoan thăm dò.
Bên cạnh đó, Vietsovpetro đang đẩy mạnh nghiên cứu các lô lân cận Lô 09-1 để đánh giá cơ hội đầu tư vào các lô này, với mục tiêu kết nối các phát hiện trong tương lai vào hệ thống công nghệ hiện hữu, rút ngắn thời gian chuẩn bị nhằm sớm đưa các phát hiện này vào khai thác.
Nhằm tạo đột phá trong gia tăng trữ lượng cho những năm tới, Vietsovpetro cũng tập trung nghiên cứu các lô mở có khả năng phát hiện các mỏ dầu khí lớn, nhất là các lô dầu khí ở khu vực phía Nam bể Sông Hồng.
Còn theo đại diện PVEP, trong khi việc thu xếp nguồn vốn cho công tác thăm dò khai thác vẫn gặp khó khăn và chưa có nguồn bù đắp; cơ chế xử lý rủi ro để bảo toàn vốn đã được xem xét nhưng chưa được thông qua, giải pháp được Tổng Công ty ưu tiên lúc này là tăng cường hợp tác đầu tư để thúc đẩy hoạt động này, cố gắng hoàn thành mục tiêu gia tăng trữ lượng 2 triệu tấn quy dầu/năm.
Đại diện PVEP cũng cho rằng, ngoài các nỗ lực của doanh nghiệp, việc sớm phê duyệt Quy chế Tài chính sửa đổi của PVEP trong bối cảnh các mỏ dầu khí có trữ lượng lớn không còn mà chỉ còn các mỏ nhỏ, mỏ cận biên ở vùng nước sâu xa bờ sẽ là giải pháp quan trọng để Tổng Công ty có thể tránh được các rủi ro, vướng mắc trong triển khai cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Về phía PVN, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cho biết, để tháo gỡ những khó khăn trong công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí hiện nay, giải pháp cấp bách chính là Nhà nước sớm sửa đổi hệ thống pháp luật, chính sách phát triển liên quan đến ngành dầu khí cho phù hợp với tình hình mới.
Đặc biệt, ngành dầu khí sẽ không thể yên tâm và không thể làm gì hơn được khi mà 4 năm nay, cơ chế quản lý tài chính mới cho PVN vẫn chưa được ban hành, ông Thanh chỉ rõ.