Cấp thiết vấn đề trang bị kỹ năng sống cho trẻ nhỏ

Vụ việc bé trai tử vong thương tâm do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường Tiểu học Quốc tế Gateway ngày 6/8 đã gợi lên khiếm khuyết của người lớn, của cả xã hội chúng ta hiện nay. Đó là thiếu các khóa đào tạo về kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng sinh tồn cho trẻ em.
Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Cần sớm có quy chuẩn cho dịch vụ đưa đón học sinhDạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi bị bỏ quên trên ô tôHọp báo vụ bé trai trường Gateway tử vong: Quyết định khởi tố vụ án

Các nước trên thế giới dạy "kỹ năng sống” cho trẻ nhỏ như thế nào?

Ở nhiều quốc gia, nền giáo dục các nước rất chú ý đào tạo kỹ năng sống cho trẻ nhỏ.

Tại Mỹ, các bậc phụ huynh đã bắt đầu dạy cho con cái họ các kỹ năng từ lúc 1,5 tuổi. Đó đơn giản chỉ là các kỹ năng tự phục vụ bản thân như mặc quần áo, cài cúc áo, kéo phéc-mơ-tuya, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm… Tuy nhiên, những kỹ năng này không đồng nhất ở tất cả các giai đoạn phát triển của trẻ mà chia theo độ tuổi.

Khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi mẫu giáo, các thầy cô hướng dẫn kỹ năng sống một cách cơ bản và thực tế như cách treo áo khoác khi vào lớp thế nào cho đúng, cách rót nước từ bình ra cốc để không bị đổ hoặc đơn giản hơn là bài tập thực hành rửa tay trước khi ăn. Và dần dần sẽ đến dạy trẻ cách đối phó với các hoàn cảnh khó khăn hơn. Nền giáo dục tại quốc gia phát triển nhất thế giới chú trọng đào tạo kỹ năng sống cho các bé để hướng đến tính tự lập, sự lễ phép và sự tôn trọng.

Ông L. Dennis Woolbright (người Mỹ): Dạy kỹ năng cơ bản càng sớm càng tốt

Tôi luôn ngạc nhiên là ở Việt Nam có rất nhiều sông ngòi, kênh rạch, nhưng lại có quá nhiều trẻ em chưa bao giờ được học bơi!

Ở Mỹ có một tổ chức hướng đạo sinh tên là Boy Scouts of America, nơi mà các thành viên được học kỹ năng sinh tồn, tham dự những chuyến đi bộ đường dài và cắm trại.

Ở trường, học sinh được dạy CPR (hồi sức tim phổi cho người bị ngạt thở). Ngoài ra, các gia đình cũng thường đi cắm trại, đi săn và câu cá cùng nhau, qua đó củng cố thêm các kỹ năng sống.

Ở Mỹ, cảnh sát và lính cứu hỏa thường xuyên nói chuyện với trẻ em về việc nên làm gì trong các tình huống khẩn cấp. Chúng tôi cũng dạy trẻ biết gọi những số điện thoại khẩn cấp như cảnh sát, lính cứu hỏa.

Theo tôi, trẻ con nên được dạy các kỹ năng cơ bản như chạy, bơi và tự vệ càng sớm càng tốt. Người Nhật thường bắt đầu dạy bơi và tự vệ cho trẻ con từ 3 tuổi.

Tại Nhật, trẻ em 6 tuổi đã có thể tự đi học một mình. Bà Kumiko Makihara, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Dear Diary Boy", nhận con nuôi từ Kazakhstan và cho học tại trường tiểu học ở Tokyo, đã chia sẻ trên Washington Post ngày 23/7/2018: “Con trai tôi theo học một trường tư thục cách nhà 90 phút di chuyển. Năm 6 tuổi, nó đã bắt hai chuyến tàu và một chuyến xe buýt, tham gia giao thông ở ga tàu lớn bậc nhất thế giới”.

Bà Kumiko Makihara nhấn mạnh “Ở tiểu học, con trai tôi đã dành nhiều thời gian không kém thời gian học để trau dồi kỹ năng sống, gọi là seikatsuryoku. Xứ sở mặt trời mọc có cách tiếp cận toàn diện để giáo dục trẻ nhỏ, vừa cung cấp kiến thức vừa giúp trẻ trở thành thành viên có trách nhiệm trong xã hội”

Bà Kumiko Makihara đúc kết những tiêu chí bắt buộc trong cách đào tạo kỹ năng sống cho trẻ tiểu học tại Nhật Bản: trở thành một phần của cộng đồng, đi loanh quanh một thành phố mới, tổ chức và quản lý thời gian, xử lý sự cố, dọn dẹp, ăn uống, xử lý xung đột, tính nhẫn nại và đứng lên từ thất bại.

Cấp thiết trong đào tạo “kỹ năng sống”

Trở lại vụ việc đang gây xôn xao dư luận hai ngày qua, các bậc cha mẹ Việt và trường học đã hướng dẫn, rèn luyện cho trẻ em những kỹ năng sống như thế nào trong các tình huống khẩn cấp?

Ngay sau khi xảy ra sự việc bé trai tử vong thương tâm do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường tiểu học quốc tế Gateway ngày 6/8, nhiều luồng dư luận đã lên tiếng về việc các nhà sư phạm đang bỏ quên việc đào tạo kỹ năng sống cho trẻ nhỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu được trang bị kỹ năng sống đầy đủ, cậu bé chắc chắn sẽ theo cô giáo xuống xe thay vì bị bỏ quên. Ngay cả trong trường hợp đã xảy ra, cậu bé cũng có thể đã có cách tự xử lý độc lập tốt hơn. Một số phụ huynh đã dẫn ra phương pháp đào tạo kỹ năng sống của các trường tiểu học trên thế giới để thấy rằng, ở cùng độ tuổi, trẻ nước ngoài có thể đã được học cách xử lý trong trường hợp tương tự.

Tuy nhiên, theo phân tích của thầy giáo Nguyễn Như Hoan, hiện đang trực tiếp giảng dạy về kỹ năng sống tại trường Đội Lê Duẩn, vai trò quan trọng nhất trong việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ từ 4-6 tuổi thuộc về gia đình sau đó mới đến nhà trường

Thầy Hoan phân tích: “Với các bạn từ 4 - 6 tuổi thì nhận thức vẫn đang trong quá trình hình thành, các kỹ năng hay là thói quen cần phải làm rất nhiều lần, chưa kể đến mặt nhận thức một số bạn vẫn còn yếu nên không thể nói nhất thiết phải trang bị cho các con kỹ năng đến mức độ nào”.

Theo thầy Hoan, ngay ở trong các lớp mẫu giáo cũng đã có một phần trang bị kỹ năng cho trẻ nhỏ, tuy nhiên gia đình mới là môi trường để các em rèn dũa và phát triển tốt nhất. Phụ huynh chính là người tạo điều kiện tối đa và tốt nhất để các con có thể thực hành, lặp đi lặp lại một hành động, từ đó biến thành kỹ năng cho con trẻ.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Đức Giang, phụ huynh của 2 cô con gái nhỏ đang trong độ tuổi tiểu học chia sẻ: “Với cụ thể sự việc của cháu bé ở trường Gateway, trách nhiệm của trường là không thể chối bỏ nhưng phải nhìn nhận sự việc ở một góc độ khác. Nếu gia đình dặn dò con trẻ kỹ hơn, phải luôn đi theo cô giáo và các bạn, thêm vào đó nếu trẻ học được một vài cách đối mặt khi gặp trường hợp tương tự, có thể đã không xảy ra sự việc đau lòng này. Đây chính là thiếu xót trong việc đào tạo kỹ năng sống cho trẻ từ chính bố mẹ".

cap thiet van de trang bi ky nang song cho tre nho
Trong giai đoạn 4 - 6 tuổi, vai trò của gia đình cao hơn nhà trường trong việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ

Với một suy nghĩ khác, anh Nguyễn Ngọc Bảo, phụ huynh của một trẻ đang ở độ tuổi học lớp 2, nhận xét: “Cá nhân tôi cho rằng, đòi hỏi kỹ năng sinh tồn từ một cháu bé 6 tuổi là hơi quá. Ở đây, tôi đánh giá kỹ năng của người phụ trách. Nếu cô giáo được đào tạo “kỹ năng sống” tốt thì cần phải truyền đạt cho các bé ngay từ khi lên xe: các con phải chú ý theo cô. Đến khi các bé không thực hiện tốt, cô phải phát hiện ngay. Cụ thể ở đây là việc cháu không đi cùng cô và các bạn xuống xe. Thực tế đã xảy ra là cô không phát hiện. Tức là “kỹ năng sống” đã yếu từ các cô. Vậy thì không thể đòi hỏi các bé”.

Tương tự, anh Trần Đức Hòa, một phụ huynh rất quan tâm đến việc trang bị kỹ năng sống cho con trẻ cũng nêu quan điểm: “Không thể vội vàng đánh giá việc trang bị kỹ năng sống trong cả một hệ thống giáo dục, đặc biệt là dựa trên một vài biến cố gần đây. Nhưng để xảy ra biến cố thì chắc chắn là trách nhiệm của những người vận hành hệ thống đó”.

cap thiet van de trang bi ky nang song cho tre nho
Để xảy ra biến cố thì chắc chắn là trách nhiệm của những người vận hành hệ thống đó

Đánh giá về các ý kiến liên quan đến việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ nhỏ, cụ thể trong trường hợp bé trai tử vong ở trường Gateway, bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội Việt Nam khoá XIII thẳng thắn nhìn nhận: “Trong trường hợp này, việc giảng dạy và trang bị cho trẻ kỹ năng sống là vấn đề cần được đưa ra nhưng trước hết phải đánh giá trách nhiệm của trường, sự tắc trách của cá nhân nào cần phải được làm rõ. Xa hơn nữa là phải đánh giá lại hệ thống xã hội hóa giáo dục, phải có quy chuẩn cho toàn hệ thống”.

Bà Bùi Thị An cũng thừa nhận: “Đúng là cần chú ý đến việc giảng dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho các trẻ ngay từ bé. Thực tế là trong một giai đoạn dài, chúng ta chưa chú ý đến việc đào tạo kỹ năng sống và đấy là điều đáng tiếc”.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Như Hoan nêu lên thực tế, tại các trường học từ trước đến nay, các thầy cô cũng chỉ dạy cho học sinh các kỹ năng trên lý thuyết mà hầu như thiếu thực hành. Từ đó dẫn đến nếu thực sự đối mặt trường hợp xấu, học sinh cũng không thể thực hiện những gì đã học.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục của chúng ta cũng chưa có mức chuẩn đánh giá giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ nhỏ: phải dạy cái gì, dạy như thế nào? Các chương trình học được giảng dạy tại các trường mầm non và tiểu học tư thục đều theo giáo trình của nước ngoài. Bên cạnh đó, các thầy cô dạy bộ môn này cũng là kiêm nhiệm, rất ít giáo viên chuyên nghành.

cap thiet van de trang bi ky nang song cho tre nho
Các buổi học kỹ năng sống trong trường học chỉ có lý thuyết, thiếu thực hành

Khó khăn khách quan của hệ thống giáo dục đã dẫn đến một thực trạng là ngay cả thế hệ những người trưởng thành cũng ít ai được trang bị đầy đủ kỹ năng sống và đặc biệt là kỹ năng sinh tồn.

“Bằng cảm quan cá nhân, giống như nhiều người, tôi thấy rằng nhiều thế hệ người Việt, trong đó có cả chính mình, chưa có nhiều cơ hội được học và thực hành những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn” – phụ huynh Trần Đức Hòa thẳng thắn thừa nhận.

Rõ ràng, đây là thực trạng chung của phần lớn các bậc cha mẹ hiện nay. Trong khi đó, vụ việc đau lòng vừa xảy ra đã gợi lên khiếm khuyết của người lớn, của cả xã hội chúng ta hiện nay: thiếu trang bị kỹ năng cho trẻ nhỏ. Vấn đề này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nhưng khi mà phụ huynh thiếu kiến thức, các trường từ mầm non đến tiểu học thì chưa có quy chuẩn và giáo trình đầy đủ, vậy con trẻ sẽ được trang bị kiến thức như thế nào cho đúng và đủ?

Thiết nghĩ giải quyết vấn đề này là việc phải thực hiện dài lâu và không phải trách nhiệm của riêng ai mà là của toàn xã hội.

Trần Giang
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường