'Chao đảo' vì Covid-19, nhiều tập đoàn nhà nước lỗ lớn và hụt thu 27.000 tỉ đồng

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2020 dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sụt giảm mạnh khoảng 27.376 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giá dầu không phục hồi thì doanh thu cả năm nay sẽ giảm khoảng 279.767 tỉ đồng so với kế hoạch.
Ảnh hưởng dịch Covid 19, Hà Nội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020Dịch Covid-19 'nhấn chìm' ngành Hàng khôngBộ Giao thông Vận tải đề xuất các gói hỗ trợ khi ngành hàng không lỗ 30.000 tỉ đồng
Chao đảo vì Covid-19, nhiều tập đoàn nhà nước giảm doanh thu hơn 27.000 tỉ đồng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cập nhật những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Do tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, lệnh hạn chế đi lại, tiếp xúc đã khiến cho hoạt động sản xuất, du lịch, dịch vụ phải tạm dừng. Đồng thời, tác động của cuộc chiến tranh thương mại, giảm giá dầu lửa ở một số quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp thuộc uỷ ban đang phải chịu "tác động kép".

Theo số liệu báo cáo, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm - là thời điểm dịch bùng phát, sẽ giảm khoảng 27.376 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng nói là có 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã bắt đầu không cân đối được thu chi gồm: Tổng công ty hàng không Việt Nam (lỗ dự tính là 2.383 tỉ đồng, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (lỗ 572 tỉ đồng), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (lỗ 440 tỉ đồng), Tổng công ty hàng hải Việt Nam (lỗ 111,3 tỉ đồng), Tổng công ty lương thực miền Nam (lỗ 97 tỉ đồng), Tổng công ty cà phê Việt Nam (lỗ 25 tỉ đồng), Tổng công ty đường sắt Việt Nam (lỗ 100 tỉ đồng). Tổng số lỗ của 7 tập đoàn, tổng công ty này là 3.728 tỉ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỉ đồng so với kế hoạch.

Có 8 tập đoàn, tổng công ty sẽ bị thua lỗ với tổng số lỗ lên đến 26.324 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng 32.836 tỉ đồng so với kế hoạch. Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến thua lỗ gồm: Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tâp đoàn hóa chất Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc, Tổng công ty hàng hải Việt Nam, Tổng công ty lương thực miền Nam, Tổng công ty cà phê Việt Nam.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do tác động của cuộc chiến thương mại, giá dầu giảm, nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô của Tập đoàn dầu khí Việt Nam có thể giảm từ 3.111 tỉ đồng đến 18.600 tỉ đồng, tùy theo mức độ phục hồi của giá dầu thế giới.

Tuy nhiên, việc giảm giá xăng dầu đối với một số ngành lại là những thuận lợi để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ đầu ra, mang lại yếu tố tích cực cho nền kinh tế.

Trong số này, Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất do hành khách hạn chế đi lại nhằm tránh lây la dịch Covid-19, nhất là từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu, Châu Mỹ... Hãng này đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Tình trạng ngừng bay, máy bay nằm "đắp chiếu" dài ngày khiến gánh nặng chi phí phát sinh rất lớn. Theo Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong quý 1/2020, doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỉ đồng, giảm 6.712 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước và lỗ 2.383 tỉ đồng. Nếu dịc bệnh kéo dài thì năm 2020, doanh nghiệp ước đạt 38.140 tỉ đồng doanh thu, giảm 72.411 tỉ đồng so với kế hoạch, ước lỗ 19.651 tỉ đồng.

Mặc dù có hơn 3.500 tỉ đồng tiền dự trữ hồi đầu năm nay, nhưng đến nay đã cạn kệt tiền, khiến Vietnam Airlines phải vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ ngắn hạn đến ngày 20/3/2020 lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán bị tạm dừng, dòng tiền dự kiến bị thiếu hụt luỹ kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm nay.

Với tình hình tài chính trong thời gian tới, Vietnam Airlines đối mặt nguy cơ bị các ngân hàng không tiếp tục cho vay. Để đảm bảo khả năng thanh toán, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền 12.000 tỉ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.

Không chỉ Vietnam Airlines, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng đang gặp khó khăn, dự kiến doanh thu quý 1 giảm 832 tỉ đồng, chỉ đạt 4.064 tỉ đồng và lợi nhuận ước đạt 1.857 tỉ đồng, giảm 586 tỉ đồng... Doanh thu cả năm nay sẽ giảm một nửa, ước chỉ đạt 11.339 tỉ đồng và lợi nhuận giảm tới 9.335 tỉ đồng, chỉ đạt 1.476 tỉ đồng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ phải dừng hoạt động các đoàn tàu trong nước, tàu liên vận quốc tế do không có khách đi tàu. Tình trạng vắng khách trong mùa dịch sẽ ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của cả ngành đường sắt. Trong 3 tháng qua, tổng công ty dự kiến chỉ đạt 527,9 tỉ đồng, ước lỗ 100 tỉ đồng. Công ty mẹ dự kiến sẽ giảm doanh thu từ 700 -1.000 tỉ đồng cả năm nay so với kế hoạch năm 2020, lỗ từ 694-935 tỉ đồng tuỳ tình hình thời điểm dịch kết thúc.

Chịu tác động "kép" từ chiến tranh thương mại và giá dầu thế giới lao dốc thảm hại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu những thiệt hại kinh tế rất lớn. Dịch bệnh bùng phát khiến cho việc cung cấp vật tư, thiết bị cho hàng loạt dự án bị chậm, ảnh hưởng tiến độ dự án xây lắp. Các hoạt động dịch vụ như khoan, vận chuyển, tàu, phân bón, hoá chất... đều bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí Công ty Bình Sơn, PV Oil bị lỗ.

Trong quý 1/2020, doanh thu hợp nhất của PVN ước đạt 88.300 tỉ đồng, giảm 13.194 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế giảm một nửa, chỉ đạt khoảng 4.440 tỉ đồng. Nếu giá dầu giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng thì doanh thu bán dầu năm nay giảm khoảng 9.200 tỉ đồng đến 55.110 tỉ đồng, khiến tổng doanh thu toàn tập đoàn bị giảm chừng 23.000 tỉ đồng đến 141.000 tỉ đồng. Số tiền nộp ngân sách từ thu dầu thô sẽ giảm từ 3.111 tỉ đồng đến 18.600 tỉ đồng. PVN cũng sẽ giảm nộp ngân sách từ 5.000 tỉ đồng đến 27.100 tỉ đồng so với kế hoạch được duyệt.

Để tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về hàng loạt giải pháp, trong đó giảm thuế xuất khẩu đối với phân bón, xăng dầu sản xuất trong nước, miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường với các sản phẩm xăng dầu trong năm 2020; đề xuất khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay, không tính lãi phạt chậm trả... cũng như hướng dẫn thủ tục để tiếp cập gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng với lãi suất 0%.

Uỷ ban cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn giảm khoản chậm nộp thuế, tiền thuê đất bị truy thu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản đóng góp vào ngân sách để đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh...

Hải Hà
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường