Là khu vực chiếm 36% GDP toàn cầu, Châu Á - Thái Bình Dương đã và đang đạt nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo. Tuy vậy, khu vực này cũng chịu trách nhiệm cho khoảng 80% lượng than tiêu thụ trên toàn thế giới và 60% lượng khí thải CO2 ra bầu khí quyển. Nhiều nước thuộc khu vực này đã phải trải qua những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt và bão.
Với những hậu quả trên, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần triển khai hành động mạnh mẽ và táo bạo. Cụ thể, các nước cần cam kết chống biến đổi khí hậu, đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải theo nội dung Thỏa thuận Paris, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và hướng tới phát triển xanh trong khu vực.
Để làm được như vậy, đòi hỏi khu vực này phải có những thay đổi trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, cần tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng các nhiên liệu carbon thấp, tăng cường khai thác nguồn năng lượng tái tạo, đầu tư hơn nữa vào công nghệ carbon thấp...
Bên cạnh đó, châu Á – Thái Bình Dương cũng cần cam kết rộng rãi cho toàn khu vực, với sự hỗ trợ phù hợp ở cấp quốc gia từ các đối tác phát triển để nỗ lực đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo các chuyên gia, châu Á – Thái Bình Dương cần phải hướng tới con đường phát triển carbon thấp bền vững, cân bằng những nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với khí hậu, cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng toàn dân, đặc biệt trong bối cảnh trên 200 triệu người trong khu vực vẫn chưa được tiếp cận với điện.
Tháng 11/2021, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) sẽ được tổ chức tại Glasgow (Anh). Nhiều quốc gia được kỳ vọng sẽ đưa ra các đóng góp tham vọng hơn do quốc gia tự quyết định (NDC) và thể hiện cam kết của họ đối với mục tiêu trung hòa carbon.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo ở châu Á và Thái Bình Dương trong việc đáp ứng các cam kết này. ADB đặt mục tiêu tăng cường tài chính khí hậu và tăng cường năng lực để giúp các nước thành viên đang phát triển đạt được các NDC.
Mục tiêu của ADB là dành 75% hoạt động của ngân hàng vào thích ứng và giảm nhẹ khí hậu theo chiến lược năm 2030. Theo đó, từ năm 2019 – 2030, ADB sẽ cung cấp ít nhất 80 tỉ USD tài chính khí hậu, tương đương mức trung bình khoảng 6,6 tỉ USD/năm. Trong năm 2021, ADB tự tin có thể cung cấp nhiều hơn 6 tỉ USD thông qua các biện pháp đầu tư vào năng lượng sạch. Ngân hang này cũng tăng cường hợp tác, áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện cho mọi mặt về sinh thái, xã hội và tài chính trong tất cả các hoạt động.