Châu Phi sẽ là thị trường cứu vãn Huawei trong tương lai?

Châu Phi hiện tại vẫn là một thị trường lớn đối với Tập đoàn công nghệ Trung Quốc, nơi mà đa phần người dùng Internet đều đang sử dụng thiết bị do Huawei cung cấp.
Huawei đề xuất ký 'thỏa thuận không gián điệp' với MỹHuawei cắt giảm đơn đặt hàng, suy nghĩ lại mục tiêu số 1 thế giớiChính phủ Trung Quốc và Huawei tìm mọi cách trả đũa Mỹ

Vào tuần trước, Huawei đã ký một thỏa thuận để tăng cường hợp tác với Liên minh châu Phi (AU), nội dung thoả thuận sẽ tập trung hỗ trợ mảng công nghệ cao mà Huawei đang sở hữu bao gồm điện toán đám mây, trí tuệ thông minh nhân tạo và các hệ thống mạng tốc độ cao tại khu vực này.

Sau khi thoả thuận được ký, Liên minh châu Phi sẽ nắm toàn quyền quyết định về các hệ thống công nghệ thông tin của khối này. Điều đó sẽ giúp dập tan những tin đồn cho rằng các thiết bị của Huawei thu thập dữ liệu trái phép.

chau phi se la noi cuu van huawei trong tuong lai
Huawei sẽ mang đến Châu Phi nhiều công nghệ tiên tiến mà công ty đang sở hữu. Ảnh: Internet

Ông Philippe Wang - Phó Chủ tịch Huawei phụ trách khu vực Bắc Phi cho biết: “Việc tăng cường hợp tác cho thấy Liên minh châu Phi và Huawei tiếp tục xây dựng lòng tin lẫn nhau.”

Huawei đã hiện diện trên rất nhiều mặt trận công nghệ tại châu Phi, dù không ít quốc gia trong "lục địa đen" là đồng minh của Mỹ. Công ty Trung Quốc đánh dấu sự có mặt tại châu lục này đầu tiên ở Kenya năm 1998 và hiện hoạt động tại ít nhất 40 quốc gia. Theo số liệu của Viện chính sách chiến lược Australia, Huawei đã xây dựng ít nhất 50% hệ thống mạng 4G, cung cấp công nghệ cho hầu hết dự án thành phố thông minh tại châu Phi.

"Châu Phi là một thị trường mà Huawei đã nhận diện và đã chinh phục được nhờ một chiến lược rất năng động và tốc độ triển khai kế hoạch nhanh", Aly-Khan Satchu - nhà phân tích kinh tế độc lập có trụ sở tại Nairobi bình luận.

chau phi se la noi cuu van huawei trong tuong lai
Châu Phi là thị trường tiềm năng mà Huawei đang muốn nhắm đến. Ảnh: Internet

Ngày 15/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài, trong đó Huawei là công ty mà Chính phủ Mỹ muốn nhắm đến.

Tuy nhiên, Harriet Kariuki - một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Trung - Phi cho rằng Mỹ chưa chắc được lợi, đồng thời nhấn mạnh châu Phi không nên đứng về phía nào trong tình huống này. "Đó không phải là trận chiến của châu Phi. Họ chỉ cần tập trung vào những thứ cảm thấy cần thiết phải làm, nhận biết những gì đang đe dọa mình và cần một luật dữ liệu kiểu Liên minh châu Âu để bảo vệ người tiêu dùng châu Phi". "Đây có lẽ là thời gian châu lục này xem xét việc phát triển các công nghệ của riêng mình phù hợp với thị trường thay vì là người tiêu dùng thụ động", bà Kariuki nói thêm.

"Huawei đã xây dựng một lượng lớn cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại châu Phi và nếu Mỹ thành công trong việc làm tê liệt công ty, họ chưa chắc được lợi", ông Eric Olander - đồng sáng lập China Africa Project, dự án truyền thông nhằm thúc đẩy các mối quan hệ Trung - Phi, nhận xét.

Cobus van Staden, nhà nghiên cứu cao cấp Trung - Phi tại Viện các vấn đề quốc tế Nam Phi, cho rằng đây là cơ hội lớn để Huawei vượt lên. "Một số nơi như Nam Phi đang lo lắng về việc Huawei bị khóa khỏi hệ sinh thái Google. Tuy nhiên, công ty có thể thay đổi cuộc chơi bằng cách phát triển phần mềm và phần cứng riêng dựa trên thói quen người dùng bản địa", Staden nói.

Cũng theo Staden, châu Phi là thị trường công nghệ cuối cùng trên thế giới và ai thống trị nó sẽ nắm lợi thế lớn. Trong khi đó, rất ít công ty Mỹ biết cách làm việc tại thị trường này. Nếu Huawei tận dụng được nó, chẳng hạn bán smartphone giá rẻ, hỗ trợ hai sim, thời lượng pin tăng... công ty Trung Quốc có khả năng loại bỏ Google nói riêng và các công nghệ Mỹ nói chung khỏi châu Phi.

Tuấn Trương
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường