Nghiên cứu mới này được công bố trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change (không bao gồm Nam Cực), do TS.Andrew Plumptre làm tác giả chính.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết hợp hai bản đồ. Đó là bản đồ về thiệt hại do con người gây ra với môi trường sống, và bản đồ cho thấy những nơi động vật đã biến mất khỏi môi trường ban đầu của chúng hoặc số lượng còn lại quá ít, không đủ để duy trì một hệ sinh thái khỏe mạnh.
Kết quả cho thấy, chỉ 3% diện tích đất trên thế giới vẫn còn nguyên vẹn về mặt sinh thái, với các quần thể động vật nguyên thủy khỏe mạnh và môi trường sống chưa bị xáo trộn.
Những vùng đất còn nguyên vẹn không bị xâm hại bởi các hoạt động của con người, chủ yếu nằm trong các phần của rừng nhiệt đới Amazon và Congo, các khu rừng và lãnh nguyên phía đông Siberia và bắc Canada, và sa mạc Sahara. Các loài ngoại lai xâm lấn bao gồm mèo, cáo, thỏ, dê và lạc đà đã có tác động lớn đến các loài bản địa ở Úc, do đó nghiên cứu không tìm thấy khu vực nào thuộc Úc còn nguyên vẹn về mặt sinh thái.
Thế giới đang trong cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, nhiều quần thể động vật hoang dã, từ sư tử đến côn trùng, đang lao dốc về số lượng cá thể, chủ yếu do mất môi trường sống. Một số nhà khoa học cho rằng đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trên Trái Đất đang bắt đầu và sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với thực phẩm, nước sạch và không khí.
Các phân tích trước đây thường xác định tình trạng các khu vực hoang dã dựa trên hình ảnh vệ tinh và ước tính rằng vẫn còn 20-40% bề mặt Trái đất ít bị ảnh hưởng bởi con người. Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu mới lập luận rằng các khu rừng, thảo nguyên và lãnh nguyên khi nhìn từ trên cao thì trông có vẻ nguyên vẹn, nhưng trên thực tế nhiều loài sinh vật quan trọng trong các khu vực đó đã biến mất.
Ông Plumptre cho biết: “Nếu tái sinh có mục tiêu các loài đã bị mất ở những khu vực mà tác động của con người vẫn còn thấp, và giải quyết được các mối đe dọa với sự tồn tại của chúng, tỉ lệ các khu vực sinh thái còn nguyên vẹn có thể trở về mức 20%". Theo đó, ông đã chỉ ra trường hợp đưa sói vào công viên quốc gia Yellowstone ở Mỹ đã giúp phục hồi hệ sinh thái.
Tuy nhiên, Plumptre cũng thừa nhận rằng con số 3% chỉ là "ước tính tương đối". Mức độ chính xác của nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào bản đồ phân bố của các loài trên thế giới.
2/3 diện tích rừng mưa nhiệt đới đã bị phá hủy
Trong đó, hơn một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh bị tàn phá kể từ năm 2002 nằm ở Amazon tại khu vực Nam Mỹ và các khu rừng nhiệt đới giáp ranh.
Theo một báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới, tỉ lệ rừng bị phá hủy trong năm 2019 gần ngang bằng với mức độ tàn phá hàng năm trong 20 năm qua, với diện tích rừng tương đương một sân bóng biến mất sau mỗi 6 giây.
Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng lượng khí thải tăng, khiến Trái Đất nóng lên khi thảm thực vật rừng nhiệt đới rậm rạp là nguồn hấp thụ khí carbon lớn nhất. Hơn nữa, thực trạng này làm cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng thêm trầm trọng hơn.