Dự án đã hoàn thành mới xin hợp thức hóa thủ tục
Mới đây ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 423/TTg-CN gửi Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, UBND TP.Đà Nẵng, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sau khi nhận được báo cáo của Bộ KH&ĐT, ý kiến của Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện và quyết định chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II của Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng (gọi tắt là Dự án).
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT và Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng (chủ đầu tư), Dự án trên đã được thực hiện hoàn thành (khai thác từ tháng 9/2018), phù hợp với quy hoạch và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, Dự án này lại chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện xử lý trách nhiệm về hành chính trong việc chủ đầu tư triển khai đầu tư dự án thiếu thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, UBND TP.Đà Nẵng và các cơ quan liên quan hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền đối với những quyền lợi của doanh nghiệp về ưu đãi đầu tư (nếu có) theo quy định pháp luật về đầu tư. Hướng dẫn Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng chấp hành nghiêm các quy định pháp luật để đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả theo quy hoạch phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam và định hướng quy hoạch chung của TP.Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đồng thời, Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và chấp hành các hình thức xử lý vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền trong việc triển khai đầu tư dự án chưa theo trình tự thủ tục pháp luật về đầu tư. Chịu trách nhiệm toàn diện về quá trình đầu tư, khai thác dự án đảm bảo không gây thất thoát, lãng phí và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2020, Bộ KH&ĐT có Công văn 4196/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tình hình thực hiện và quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa, giai đoạn II của Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng.
Cụ thể vào tháng 8/2015, Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II được phê duyệt tổng mặt bằng điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Hai tháng sau, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt dự án. Công trình được khởi công vào ngày 31/7/2016, hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 8/2018.
Tuy nhiên, mãi đến tháng 7/2017 (tức là 2 năm sau khi Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa được khởi công), Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ mới ký Công văn số 5228/UBND-SKHĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II.
Được biết, Luật Đầu tư năm 2014 quy định, dự án xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, theo Bộ KH&ĐT, Dự án được triển khai thực hiện sau ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực nên trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư 2014.
Dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, cơ sở pháp lý triển khai Dự án chưa được đảm bảo.
Nhận chìm vật chất có đe dọa đến hệ sinh thái biển?
Trong thời gian qua, luồng hàng hải quốc gia vào Cảng Tiên Sa (TP.Đà Nẵng) bị bồi lấp nhiều năm qua nhưng chưa thể triển khai dự án nạo vét vì chưa thống nhất được vị trí đổ thải.
Trước đó, UBND TP.Đà Nẵng đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) nghiên cứu, khảo sát và triển khai các thủ tục nhận chìm vật chất trên biển Đà Nẵng. Khối lượng vật chất đề xuất nhận chìm khoảng 200.000 m3 từ việc nạo vét luồng hàng hải vào cảng Tiên Sa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có đánh giá thật kỹ về tác động môi trường (ĐTM). Bởi vật chất sau nạo vét lại được nhận chìm trên biển, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển Đà Nẵng.
Theo bà Phạm Thị Chín, Chi cục Trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Đà Nẵng cho biết, các quy định hiện hành nêu rõ rằng khi chọn khu vực biển nào đó để nhận chìm thì phải làm đánh giá tác động môi trường. Nếu như kết quả ĐTM cho thấy không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh thì được phê duyệt. Sau đó, chủ đầu tư dự án làm báo cáo nhận chìm trình TP.Đà Nẵng xem xét thông qua thì được nhận chìm.
Bà Chín cũng cho biết thêm: “Thành phố đã đồng ý về mặt nguyên tắc. Vì biển mênh mông quá nên mình đồng ý cho cái vùng biển đó về mặt nguyên tắc thôi, chứ không phải đồng ý là cho đổ liền. Vùng biển mình chỉ cho Cục Hàng hải Việt Nam là vùng cách Cảng Tiên Sa 4 hải lý, trên diện tích mặt nước 100 ha”.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay, số vật chất nạo vét nói trên nếu đổ trên bờ thì phải có khu vực bãi bồi nào gần biển mới đổ được, vì cát nhiễm mặn không mang lên bờ đổ được.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay vùng biển của Đà Nẵng không nằm trong nhóm các khu bảo tồn nên có thể nhận chìm được. Tuy nhiên, về góc độ môi trường, việc nhận chìm sẽ làm xáo trộn môi trường, ảnh hưởng đến các loài động vật, thực vật biển, đặc biệt là các rạn san hô và vùng cỏ biển. Bởi vai trò của các vùng này rất quan trọng, là nơi trú ẩn và sinh sản của các loài sinh vật biển.
Theo TS.Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường - Công nghệ hóa (Trường ĐH Duy Tân), đánh giá 200.000 m3 vật chất là nhiều và chắc chắn sẽ tác động đến hệ sinh thái biển.
Bà Phương cũng cho biết thêm, khi đổ như vậy, san hô không chịu được bùn, nước quá đục thì tảo cộng sinh của san hô chết và làm cho toàn bộ thảm san hô chết theo. Hơn nữa, các dòng chảy dưới biển sẽ cuốn vật chất đi khắp nơi, nhất là trầm tích. Do trầm tích ở những nơi nạo vét chủ yếu là trầm tích hạt mịn nên sẽ cuốn đi khắp nơi và cuốn theo mùa, vì dòng chảy thay đổi theo mùa. Dòng chảy cuốn đến đâu thì san hô sẽ chết đến đó. Tảo cộng sinh của san hô cần có ánh sáng, hệ sinh thái san hô cực kỳ quan trọng. Còn hệ sinh thái đáy sẽ tạm thời bị hủy diệt một thời gian, sau đó sẽ hồi phục trở lại.