Chính phủ Anh tăng gấp đôi giá túi nilon để ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa

Nhằm đẩy mạnh việc giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nhựa, Chính phủ Anh sẽ tăng gấp đôi phí đối với túi nilon sử dụng một lần ở Anh từ 5 pence lên 10 pence và chấm dứt việc miễn thuế cho các cửa hàng nhỏ từ tháng 4/2021.
Sẽ xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt NamChuyện giữ gìn môi trường ở Cồn SơnNỗ lực chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới

Kể từ khi áp dụng mức phí này vào tháng 10/2015, người mua sắm đã sử dụng ít hơn hàng tỉ túi nilon sử dụng một lần. Dữ liệu gần đây của chính phủ cho thấy mức thuế 5 pence hiện tại, áp dụng cho bất kỳ nhà bán lẻ nào với lực lượng lao động 250 người trở lên, đã giúp cắt giảm 95% việc sử dụng túi nilon trong các siêu thị lớn của Anh kể từ năm 2015.

chinh phu anh tang gap doi gia tui nilon de ngan chan o nhiem rac thai nhua
Những người mua sắm mang theo túi nilon dùng một lần bên ngoài Sainsbury’s ở Balham, phía Nam London, Anh. (Ảnh: Shutterstock)

Thông báo về việc tăng gấp đôi mức phí sau một cuộc tham vấn, Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice cho biết: “Tất cả chúng ta đều thấy tác động tàn phá của túi nilon đối với đại dương và đối với động vật hoang dã biển quý giá, đó là lý do tại sao chúng ta đang hành động mạnh dạn và đầy tham vọng để giải quyết vấn đề này”.

“Vương quốc Anh là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực toàn cầu chống rác thải nhựa và chính sách phí dành cho túi nilon trong nước đã góp phần quan trọng trong việc loại bỏ hàng tỉ túi nilon ra khỏi thị trường. Tuy vậy, Vương quốc Anh cần đi xa hơn bằng cách mở rộng kế hoạch này đối với tất cả các nhà bán lẻ nhằm tiếp tục giảm thiểu rác thải nhựa không cần thiết”, George Eustice nhấn mạnh.

Sam Chetan Welsh, nhà vận động chính trị thuộc tổ chức Greenpeace cho biết: “Bằng cách tiếp tục tăng giá túi nilon, nước Anh đang thực hiện một bước đi đúng hướng, nhưng bây giờ cần phải có những bước tiến lớn. Việc tăng giá túi nilon chỉ giải quyết được một phần của vấn đề, chúng ta cần có mà không có động thái mua lại túi nilon”.

“Chính phủ nên đặt ra các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý ngay từ bây giờ đối với các nhà bán lẻ để giảm 50% đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025. Đồng thời, cần phải đảm bảo các nhà sản xuất nhựa có thương hiệu lớn chịu trách nhiệm xử lý rác thải của họ. Nếu họ đang tăng chi phí cho người mua sắm thì các nhà chức trách thực sự không có lý do gì để không tăng chi phí cho các công ty chịu trách nhiệm về khối lượng bao bì nhựa dùng một lần ngày càng tăng cao”, Welsh nhấn mạnh.

Tung ra thử nghiệm tại 8 cửa hàng, chuỗi siêu thị Morrisons đang có kế hoạch loại bỏ tất cả túi nilon và thay vào đó là túi giấy cứng được cung cấp khi thanh toán. Theo chuỗi siêu thị này, việc phát hành túi giấy tại tất cả 494 cửa hàng sẽ tiết kiệm được 90 triệu túi nilon hàng năm, tương đương với 3.510 tấn nhựa. Waitrose cũng đang lên kế hoạch cho một thử nghiệm tương tự.

Có nhiều bằng chứng cho thấy nỗ lực giảm đồ nhựa dùng một lần ở Anh đã bị đình trệ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước này, do việc sử dụng khẩu trang, găng tay, khăn che mặt và khăn lau ngày càng tăng và do tỉ lệ tái chế đã giảm mạnh trong thời gian phong tỏa.

Phí 5pence đã được ban hành ở Anh để giúp giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ động vật hoang dã và tác động đến hành vi của người tiêu dùng sau khi số lượng túi do 7 siêu thị lớn cung cấp tăng 200 triệu vào năm 2014. Vào thời điểm đó, người tiêu dùng sử dụng hơn 7,6 tỉ túi nilon mỗi năm. Để sản xuất ra lượng túi khổng lồ này, ước tính phải cần tới 61.000 tấn nhựa.
Quang Huy
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường