Nỗ lực chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới

Trên thế giới, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, hơn 5.000 tỉ túi nilon được tiêu thụ mỗi năm. Những cảnh báo về ô nhiễm rác thải nhựa liên tục được nâng lên mức cao hơn, dù các quốc gia đã và đang nỗ lực giải quyết các vấn đề từ rác thải nhựa và tái chế.
Những phát minh có thể cứu đại dương khỏi thảm họa rác thải nhựaCần sớm công bố chương trình nói không với rác thải nhựa tại đảo Cồn CỏRác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá trong đại dương vào năm 2050

Ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn biến ngày càng phức tạp và để lại nhiều hệ lụy cho con người. Trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ có những biện pháp khác nhau nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Thái Lan cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần

Từ đầu năm 2020, Thái Lan ban hành lệnh cấm các loại túi nilon dùng 1 lần tại các cửa hàng lớn. Đây là bước đi tiếp theo trong chiến dịch do chính phủ và các nhà bán lẻ nước này khởi xướng nhằm hướng tới một lệnh cấm hoàn toàn vào năm 2021, để giảm lượng rác thải đổ ra biển.

(Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-Archa cho biết, trước đây nước này từng đứng thứ 6 trên thế giới về lượng rác thải đổ ra biển. Tuy nhiên, trong 5 tháng vừa qua, nước này đã tụt xuống thứ 10 nhờ những nỗ lực như trên.

Trong năm 2019, Thái Lan đã giảm sử dụng 2 tỉ túi nilon, tương đương 5.800 tấn rác thải nhựa, bằng cách kêu gọi hạn chế sử dụng túi nilon một cách tự nguyện trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Singapore "nói không với rác thải nhựa"

Một người mua hàng dùng túi tái sử dụng miễn phí tại siêu thị ở Singapore.

Một cuộc khảo sát xã hội cũng đã được thực hiện tại Singapore với khoảng 1.750 người, theo đó 73% người Singapore nhất trí và sẵn sàng ủng hộ chương trình hạn chế rác thải nhựa.

Cuối năm 2019, Công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) cho biết, đơn vị này sẽ kéo dài thêm một năm việc thực hiện chương trình “nói không với túi nilon” tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị và trung tâm thương mại trên cả nước để hạn chế rác thải nhựa và nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường.

Số liệu do Cơ quan Môi trường Singapore (SEC) công bố năm 2018, cho thấy bình quân mỗi năm người dân nước này sử dụng khoảng 1,76 tỉ chiếc túi nilon các loại, trong đó gần một nửa (khoảng 820 triệu chiếc) có nguồn gốc từ các nhà hàng và siêu thị.

Indonesia đánh thuế túi nhựa để giảm thiểu rác thải

Indonesia đã cam kết giảm 70% rác nhựa thải xuống biển vào năm 2025 bằng cách tăng cường tái chế, nâng cao nhận thức cộng đồng và hạn chế dùng đồ nhựa.

Rác thải nhựa chất đống bên ngoài dãy nhà ở làng Bangun ở tỉnh Đông Java - Indonesia. (Ảnh: CNA)

Theo Tổng cục Thuế và Hải Quan thuộc Bộ Tài chính Indonesia thông báo, cơ quan này sẽ áp mức thuế 200 rupiah (hơn 300 đồng Việt Nam) đối với mỗi chiếc túi nhựa.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Hải Quan Indonesia, ông Heru Pambudi cho rằng mức thuế này là hoàn toàn phù hợp sau khi cân nhắc đến nhiều yếu tố như môi trường, sức mua của người dân hay ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Theo ông Heru, việc áp thuế nói trên nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa, đặc biệt là túi làm từ nhựa hay các vật liệu không thể tái chế. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cân nhắc giảm thuế cho các sản phẩm từ nhựa có thể tái chế.

Đan Mạch sản xuất điện từ rác thải

Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch gần đây đã khánh thành nhà máy điện Copenhill (còn gọi là Amager Bakke). Nhà máy này đốt rác thải thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện. Trung bình mỗi năm Copenhill sẽ biến 450.000 tấn rác thải thành điện, cung cấp cho 30.000 hộ dân và sưởi ấm 72.000 căn nhà.

Nhà máy năng lượng từ rác thải Copenhill trở thành một địa điểm nổi tiếng của thủ đô Đan Mạch. (Ảnh: The New York Times)

Dù Copenhill vẫn sản sinh CO2 từ việc đốt rác nhưng Copenhagen dự kiến lắp đặt một hệ thống để thu khí thải. Sau đó, Copenhagen còn xem xét cách lưu trữ CO2 hoặc tìm hướng sử dụng thương mại với loại khí này.

Thị trưởng Frank Jensen chia sẻ rằng, mục tiêu của Copenhagen là trở thành thành phố carbon trung tính đầu tiên của thế giới vào năm 2025.

Nhật Bản đẩy mạnh công nghệ xử lý và tái chế rác thải

Ở Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện rất hiệu quả, nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại.

Thùng rác công cộng trên đường phố Nhật Bản thường bao gồm nhiều thùng đặt liền nhau, theo Tofugu. Người dân ở đất nước này không chỉ cần phân loại và làm sạch rác theo chỉ dẫn, mà còn phải đảm bảo đổ rác đúng ngày và để rác đúng màu túi. Nếu làm sai, rác sẽ bị trả về cho chủ nhà.

Người dân Nhật Bản phân loại rác theo danh mục cụ thể. (Ảnh: tofugu.com)

Đặc biệt, công nghệ đốt rác và tái chế rác thải cũng được quốc gia này chú trọng thực hiện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, 20,8% tổng lượng rác thải hàng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế, đặc biệt là các chai nhựa tổng hợp polyethylene terephthalate (PET).

Theo Viện quản lý rác thải nhựa, hơn 1/5 lượng rác thải nhựa đã tái chế tại Nhật Bản và phần lớn số rác thải nhựa còn lại được tái sử dụng như nguyên liệu đốt hoặc tổng hợp điện năng... Khoảng 10% rác thải được xử lý theo hình thức thiêu hủy và gần 10% lượng rác thải nhựa được chôn vùi.

Nhật Bản ứng dụng công nghệ lấp biển bằng đá nặng, xi măng, bụi và rác để tạo thêm đất mới. Cả hai sân bay quốc tế là Chūbu Centrair (gần Nagoya) và Kansai đều xây trên những hòn đảo nhân tạo bồi lấp từ rác. Tại Tokyo, chính quyền thành phố cải tạo 249 km2 đất dọc vịnh Tokyo bằng các bãi rác.

Thụy Điển - biến rác thải thành năng lượng

Tại Thụy Điển, số rác được chôn mỗi năm ứng với trung bình 7kg với mỗi người dân, số còn lại được sử dụng vào tái chế. Hàng năm, hơn 30 lò đốt được đặt trên lãnh thổ đất nước này, tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác và chất thải.

Thụy Điển dần tiến tới ngưỡng 0% rác thải sinh hoạt. (Ảnh: Sweden.se)

Hệ thống tái chế xử lý rác hiệu quả ấy đã giúp Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới tái chế được đến 99% lượng rác thải của mình. Chỉ có 1% rác từ các hộ gia đình bị thải ra môi trường.

Công nghệ xử lý rác thải phát triển đến mức nước này đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Các sà lan chở rác vẫn cập cảng Malmo hàng tuần. 20% chất thải phải nhập khẩu từ Na Uy, Anh hoặc Italy.

55% rác được đốt trở thành nguồn cung cấp điện và khí sưởi, phần còn lại tái chế thành nguyên vật liệu mới hoặc thành phân bón sinh học, khí sinh học.

Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Chất thải nhựa ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng...

Bên cạnh đó, 13 triệu tấn chất thải nhựa đã đổ ra đại dương, gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển khiến 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa mỗi năm.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường