Chính phủ chỉ đạo ưu tiên cho việc vận chuyển vải thiều

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có ý kiến về đề nghị của UBND tỉnh Bắc Giang cho phép ưu tiên lưu thông đối với các phương tiện vận chuyển vải thiều từ tỉnh Bắc Giang.
Quyết định của Nhật mở ra 'những cánh cửa mới' cho vải thiều Việt NamNhật Bản mở cửa cho vải thiều tươi của Việt NamChính thức đưa vào khai khác tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế, duy trì sản xuất kinh doanh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương không “ngăn sông, cấm chợ” đối với phương tiện của các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh lưu thông khi đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định; chỉ đạo các Sở, ban, ngành có phương án ưu tiên lưu thông nhanh chóng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đối với các phương tiện vận chuyển vải thiều từ tỉnh Bắc Giang để kịp thời tiêu thụ sản phẩm.

tm-img-alt
Phương tiện vận chuyển vải thiều Bắc Giang chính thức được mở "làn xanh" để nhanh chóng tiêu thụ thành phẩm. (Ảnh minh họa)

Các đơn vị liên quan gồm Bộ GTVT, Công Thương, Công an, NN&PTNT thôn theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hóa giữa địa phương có dịch và các địa phương khác, trong đó ưu tiên các phương tiện vận chuyển vải thiều từ tỉnh Bắc Giang.

Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh các địa phương trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với vận tải hàng hóa; hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Giang về việc cấp Giấy xác nhận an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho các phương tiện vận chuyển vải thiều qua các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19. 

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản trình Thủ tướng đề nghị ưu tiên lưu thông đối với các phương tiện vận chuyển vải thiều qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19. Theo UBND tỉnh, hiện nay, vải thiều đã vào mùa thu hoạch, với sản lượng toàn tỉnh ước tính trên 180.000 tấn, thời vụ từ 10/6 đến 20/7. Tỉnh cũng đã sớm có kế hoạch xúc tiến tiêu thụ, ký kết hợp đồng với đối tác xuất khẩu ra nước ngoài và tiêu thụ trong nước, trong đó dự kiến sẽ xuất khẩu 30%, tiêu thụ trong nước 70%.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố lập các chốt kiểm soát dịch dẫn đến việc vận chuyển vải thiều từ tỉnh Bắc Giang đến các các tỉnh, thành phố tiêu thụ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.

Vì vậy, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tạo làn riêng (làn xanh) cho phép các phương tiện vận chuyển vải thiều được lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi có "Giấy xác nhận an toàn phòng, chống dịch Covid-19" do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cấp.

Được biết, tính đến ngày 14/6, 104.487 tấn vải thiều sớm và chính vụ của Bắc Giang đã được tiêu thụ hết. Trong đó tiêu thụ trong nước hơn 61.000 tấn, xuất khẩu hơn 43.000 tấn đi các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, giá bán trung bình 12.000-29.000 đồng/kg.

Gần 1 tấn vải thiều gắn tem truy xuất lần đầu sang Pháp

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, ngày 12/6, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp, thông qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn một năm qua và đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Năm 2021, Hải Dương có 9.000 ha vải thiều, riêng huyện Thanh Hà có trên 3.300 ha, với tổng sản lượng khoảng 55.000 tấn. Đến nay, tỉnh này có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Lan Anh