Mối nguy toàn cầu
Từ lâu cộng đồng quốc tế đã nhận thấy sa mạc hóa, hoang mạc hóa là một vấn đề rộng lớn liên quan đến cả ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Liên Hợp Quốc đã từng cảnh báo, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những "thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta".
Công bố của Liên Hợp Quốc cho thấy, hơn 70% hệ sinh thái tự nhiên đã bị chuyển đổi, dự kiến vào năm 2050, con số này có thể đạt 90%. Bên cạnh đó, dự kiến đến năm 2030, sản xuất lương thực sẽ cần thêm 300 triệu ha đất để có thể đảm bảo an ninh lương thực cho cư dân toàn cầu. Trong đó, chỉ riêng ngành công nghiệp thời trang, sẽ cần sử dụng thêm 35% tức hơn 115 triệu ha đất, tương đương với diện tích nước Colombia.
Tuy nhiên, tài nguyên hữu hạn là đất đai lại đang bị đe dọa sụt giảm nghiêm trọng. Mỗi năm, hơn 12 triệu ha đất bị mất do suy thoái đất, sa mạc hóa và hạn hán tái diễn. Đây là quá trình đất đai vốn màu mỡ, bị suy thoái do hạn hán, phá rừng hoặc bị canh tác quá mức, hoặc bởi biến đổi khí hậu.
Trong quá trình này, các chất dinh dưỡng trong đất trở nên cạn kiệt đến nỗi đất không còn màu mỡ và cuối cùng trở nên khô cằn. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, chúng sẽ tiến vào quá trình sa mạc hóa và dần mất khả năng sản xuất.
Mặt khác, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua đã cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên Trái Đất, với nhiều vùng trở nên khô hơn, chịu hạn hán thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Cùng với đó, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đang khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng trở lại kể từ năm 2014 sau nhiều thập kỷ suy giảm.
Năm 2020, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) cùng nhận định, hơn 50 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi đồng thời các thảm họa liên quan đến khí hậu (lũ lụt, hạn hán và bão) và đại dịch Covid-19, khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn.
Tại Việt Nam, người dân cũng phải hứng chịu những thiên tai dị thường, khốc liệt. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong năm 2020 thiên tai diễn ra không theo quy luật.
Đặc biệt, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.
Năm 2020, tại Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè của tỉnh Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu của tỉnh Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL...
Việt Nam trong cuộc chiến chống sa mạc hóa
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất. Tuy nhiên, có những vùng đất là sa mạc hóa tự nhiên do không trải qua quá trình hình thành đất đầy đủ. Tại Việt Nam, diện tích sa mạc tự nhiên khoảng 400.000 ha. Với đất canh tác, suy thoái đất ở Việt Nam được phân chia thành bốn mức độ: Nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái, khoảng 6,7 triệu ha; nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái, khoảng 2,4 triệu ha; nhóm diện tích đất đã bị suy thoái, khoảng 1,3 triệu ha; cuối cùng là đất bị suy thoái thành sa mạc nhân tạo, chỉ chiếm diện tích ít ỏi, vài nghìn ha.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp mang tính chiến lược nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng hạn hán đang diễn biến phức tạp ở nhiều vùng trên cả nước.
Trong đó, Việt Nam đã tham gia và ký kết Công ước “Chống sa mạc” hóa của Liên Hợp Quốc từ năm 1998 và là thành viên thứ 134. Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Chống sa mạc hóa là Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).
Để thực hiện trách nhiệm thành viên và yêu cầu của Công ước Chống sa mạc hóa, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng Kế hoạch Khô hạn quốc gia và sẽ điều chỉnh, cập nhật Chương trình hành động quốc gia về phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và Đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.
Theo Bộ NN&PTNT, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và tái cơ cấu ngành chính là giải pháp căn bản để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam. Đến nay Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).
Năm 2020, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt hơn 0,26 triệu ha, giảm 3,2% so với năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 94,6 triệu cây. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.464,3 ha, giảm 45,6% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 645,3 ha, giảm 67,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 819 ha, tăng 19,4%.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả chống hạn hán, đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm và chủ động ứng phó, triển khai các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Nhờ đó, năm 2019-2020 được coi là năm hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay ở ĐBSCL, nhưng chỉ có gần 20% diện tích trồng lúa bị giảm năng suất 30-70%.
Tháng 6/1992, Công ước Chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil). Đến năm 2019 tổng cộng có 197 thành viên bao gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế tham gia Công ước này.
Mục tiêu của Công ước nhằm chống sa mạc hoá/suy thoái đất và giảm thiểu tác hại của hạn hán ở các vùng bị sa mạc hóa và suy thoái đất nghiêm trọng. Đồng thời áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi thoái hóa/sa mạc và hạn hán phát triển bền vững.
Theo đó, ngày 17/6 hằng năm được Ban thư ký Công ước Chống sa mạc hóa Liên Hợp Quốc chọn là Ngày quốc tế Chống sa mạc hóa. Đây là sự kiện quốc tế thường niên quan trọng được Việt Nam hưởng ứng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động về chống suy thoái đất/sa mạc hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.