Đối với Việt Nam, 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng nêu rõ, lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước của Việt Nam luôn gắn liền với phòng chống thiên tai. Cho nên, mong ước có sức mạnh chiến thắng thiên tai, đây là khát vọng, là ý chí của bao thế hệ người Việt Nam.
Với kinh nghiệm được thử thách qua các thế hệ, người dân Việt Nam đã lựa chọn cách thức không từ bỏ nơi sinh ra, mà tiếp tục sống chung với điều kiện thiên nhiên mới, thích ứng với môi trường mới, chuyển hóa thách thức thành cơ hội, để phát triển bền vững.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang từng bước vượt qua khá thành công thách thức của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa |
Thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu là xu thế chung của thế giới, trong đó, có sự dịch chuyển chính sách về mô hình tăng trưởng, điều chỉnh định hướng phát triển, đưa ra cách tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Đơn cử tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang từng bước vượt qua khá thành công thách thức của biến đổi khí hậu. Bằng chứng là nơi đây đã thắng thiên nhiên khi xóa được phèn ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Chúng ta không có “Vạn lý trường thành” nhưng ĐBSCL có “Vạn lý đường kênh” cho phép ém phèn để canh tác lúa, thau chua và rửa mặn.
Nhà nước và nhân dân xây dựng rất nhiều cống ngăn mặn nhằm giữ ngọt và “ngọt hóa” những vùng bị nhiễm mặn; qua đó, tăng được diện tích canh tác lúa hai vụ. Những năm 1990, tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… bao đê vượt lũ làm lúa vụ 3 với tổng diện tích trên 300.000 ha. Với khoảng 7 triệu tấn lúa năm 1986 thì nay, tổng sản lượng lúa của vùng này đạt trên 25 triệu tấn/năm, mang về khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước mặt hàng này.
Nhìn lại thời điểm đợt hạn - mặn lịch sử năm 2016, đã khiến hơn nửa triệu nông dân khắp ĐBSCL bị mất trắng mùa vụ, hàng nghìn người phải di cư do thiếu việc làm và khan hiếm nước ngọt. Thiệt hại do hạn hán, xâm ngập mặn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2016 theo thống kê lên đếnhơn 15.000 tỷ đồng. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta kịp thấy rằng, có một số làng quê, người nông dân vẫn an nhiên, kiên cường trên mảnh ruộng, vườn ao trước nhà. Họ không bị mùa khô tác động, mùa vụ không mất mát là bao. Đó là câu chuyện của những hộ dân có xuất phát điểm rất nghèo ở Cù Lao Giêng (An Giang) và Cồn Sơn (Cần Thơ). Vài năm trước, khi cảm nhận được những diễn biến thời tiết bất thường, cây trồng truyền thống bị ảnh hưởng, họ đã chủ động tìm tòi những giống cây trồng, vật nuôi mới để thích ứng.
Đến hôm nay, dù cho tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016, nhưng do các công tác dự báo, cảnh báo sớm của Bộ TN&MT, đặc biệt là sự chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương trong vùng đã được thực hiện tốt, nên thiệt hại năm nay đã được giảm thiểu ở mức tối đa.
Rõ ràng, biến đổi khí hậu là cơ hội lớn để nhìn lại, chọn lựa phương thức phát triển mới cho Đồng bằng sông Cửu Long. Rút ra những sai lầm, lạc hậu hay những điều không phù hợp là rất cần thiết để thay đổi.
Và với sự quyết đoán và mạnh mẽ, dám làm tới cùng như Chính phủ hiện nay, bài toán BĐKH ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có lời giải tốt nhất, tối ưu nhất, mở ra giai đoạn phát triển mới nhân văn và trách nhiệm gắn với đời sống của người dân mảnh đất Chín Rồng!