1 – Mục đích, ý nghĩa
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trồng 1 tỉ cây xanh và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có sáng kiến và tổ chức chương trình “Chùa Xanh”.
“Chùa Xanh” là một chương trình cộng đồng thu hút sự quan tâm chung tay của xã hội tham gia trồng cây xanh tại các chùa, đền, địa điểm di tích văn hóa.
Nhằm góp phần tạo cảnh quan môi trường, không gian văn hóa xanh, sạch, đẹp cho các khu di tích, đền, chùa…Bảo vệ môi trường, mang lại bầu không khí trong lành cho nhân dân, phật tử, du khách tham quan…
Chương trình “Chùa Xanh” trồng cây xanh ở mỗi tự viện tạo nên một không gian xanh, giúp các công trình bê tông, gạch, đá như hòa quyện mềm mại với thiên nhiên, trở thành tiểu cảnh gần gũi với con người. Đặc biệt, cây xanh giúp nâng cao giá trị cảnh quan, thẩm mỹ cho tự viện, làm cho người đến tham quan thư thái, thanh tịnh hơn.
Đồng thời góp phần tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể bằng cách sống xanh và hành động thiết thực hiệu quả mang lại không gian xanh chốn tôn nghiêm.
Trồng nhiều cây xanh giúp cung cấp một lượng lớn oxy cho chúng ta thở. Trung bình cứ một cây xanh có thể cung cấp đủ lượng oxy cho 4 người. Đồng thời, chúng cũng hấp thụ C02, amoniac, S02, Nox, bụi bẩn,… từ đó làm giảm các khí độc hại bị thải ra môi trường, giúp không khí trở nên trong lành hơn.
2 – Mục tiêu của chương trình
Chương trình được triển khai từ tháng 4/2021, Chùa Thắng Phúc, ở Tiên Lãng, Hải Phòng, là ngôi chùa đầu tiên được chương trình “Chùa Xanh” lựa chọn trồng 1.100 cây và chương trình sẽ được triển khai ở các chùa, đền, các khu di tích tiếp theo.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 14.775 ngôi chùa, nhiều chùa chưa có cây xanh phủ bóng mát. Chính vì vậy mà chương trình “Chùa Xanh” có kế hoạch trong từng năm để trồng cây ở các chùa, đền, di tích văn hóa.
Thông điệp của dự án sẽ lan tỏa đến đông đảo các tăng ni, phật tử, nhân dân, từ đó nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm và hiểm họa thiên tai khó lường trong môi trường sống của chúng ta.
Tại một ngôi tự viện trong kế hoạch triển khai của chương trình, sẽ truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm với hy vọng nhân dân địa phương nơi ấy sẽ phát huy tinh thần lan tỏa của chương trình “Chùa Xanh” nhân rộng hoạt động trồng cây nhiều hơn nữa để mang lại một cuộc sống trong lành và khỏe mạnh cho mọi người. Thêm một cây xanh được gieo trồng sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay luôn thường trực ý thức bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường vì màu xanh của cuộc sống.
Đề xuất được các giải pháp phát triển trồng cây một cách khoa học, có lộ trình, thiết kế phù hợp với điều kiện không gian, thổ nhưỡng tại ngôi tự viện đó.
3 – Đối tượng, cách thức triển khai
Đối tượng: Là những ngôi chùa, đền, khu di tích văn hóa, chương trình hướng đến các ngôi tự viện chưa có nhiều cây xanh, có diện tích đất trống rộng, chưa có quy hoạch thiết kế không gian xanh.
Cách thức triển khai: Tiếp cận trụ trì tự viện, nắm bắt, lắng nghe nhu cầu, tư vấn các phương án, hình thức phối hợp để có một khuôn viên cây xanh; khảo sát thực tế, lập kế hoạch, đề xuất, cân nhắc tính khả thi.
Căn cứ vào quy mô tự viện, di tích, nguồn lực và thổ nhưỡng, khí hậu để định hướng trồng loài cây phù hợp.
Hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật của từng loại cây dựa trên những nghiên cứu của các chuyên gia nông, lâm nghiệp.
4 – Nguồn lực phát triển chương trình
Nguồn lực triển khai chương trình, với sự tự nguyện hưởng ứng tham gia, đồng hành, hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp, phật tử.
Với sự phối hợp triển khai chương trình: Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành trên cả nước, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nữ doanh nhân, chính quyền địa phương, học sinh, sinh viên ở các trường, các nhà tu hành trong tự viện.
5 – Lựa chọn những loại cây phù hợp
Xác định loại cây trồng và số lượng cây trồng ở những nơi tâm linh đặc biệt quan trọng. Để mỗi khi đến chiêm bái, vãn cảnh du khách sẽ cảm nhận được ý nghĩa tinh thần ở mỗi loại cây mà liên tưởng về những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Theo các chuyên gia tâm linh, một số loại cây có ý nghĩa và phù hợp, được các tự viện quan tâm nhiều nhất như:
Cây Đại: Được trồng ở hai bên đường vào, sát ngay phía trước hoặc ở hai bên tự viện, ít khi được trồng ở phía sau. Loài cây này có một vẻ đẹp rất thoát tục với hình thức những thân cây trụi lá và những chùm hoa trên cao, tạo cảm giác linh thiêng, mênh mang trong không gian của các kiến trúc tôn giáo cổ truyền. Cây đại thường thấy rất phổ biến ở các chùa. Theo nhà Phật thì cây đại là một cây thiêng trong hệ cây thiên mệnh (nghĩa là sinh khí, linh hồn của vũ trụ, trời đất). Trong quan niệm của người xưa thì loài cây này có khả năng hút sinh lực từ bầu trời chuyển xuống cho đất và nước để khởi phát một cuộc sống viên mãn.
Cây Bồ Đề: Còn được gọi là giác thụ, đại thụ, là hiện thân của sự giác ngộ, sáng suốt, minh triết, tượng trưng cho đạo Phật vì đạo Phật lấy trí tuệ làm đầu, nhờ trí tuệ mà giác ngộ, diệt trừ được vô minh là mầm mống của mọi tội ác. Cây đề tượng trưng cho Tri, Trí, Đạo và Giác nên thường được trồng ở phía trước, bên trái cửa chùa. Cây đề hay bồ đề còn được gọi là Pippala (Tất Bát La) gắn với tích truyện về Thích Ca Mâu Ni ngồi tham thiền dưới gốc cây này mà giác ngộ, người ta còn gọi là chứng quả bồ đề. Vì vậy, cây bồ đề được trồng ở chùa còn là biểu tượng cho mục đích của các kiếp tu.
Cây Sung: Thường được trồng ở phía trước, bên trái hoặc cạnh ao chùa. Ở nước ta, cây sung được coi như loài cây thay thế cho cây vô ưu. Cây này tượng trưng cho sự diệt trừ 108 điều phiền não, là biểu tượng cho tinh thần của thế giới nhà Phật, nhắc nhở các kiếp tu và đem phúc tới cho các phật tử.
Cây Mít: Tên tiếng ấn là Paramita (đọc theo phiên âm Hán Việt là Ba La Mật Đa) có nghĩa là: Cứu cánh tới cùng của mọi sự đến bờ giác ngộ nơi không còn sinh tử lo âu, đưa người ta ra khỏi bến mê đến bờ giác ngộ Cây mít vì thế tượng trưng cho đại trí tuệ, nhắc nhở con người cần phải tĩnh tâm trên con đường trí tuệ (việc lấy lá mít lót oản cúng Phật có lẽ là dựa vào ý nghĩa này). Cây mít thường được trồng rất phổ biến trong các chùa, thường được trồng ở trong vườn chùa, ở hai bên và phía sau chùa. Mít cho quả làm các món chay. Gỗ mít còn được dùng để tạc tượng và làm vật liệu tu bổ di tích.
Cây Gạo: Thường được trồng nhiều ở các đền, quán hoặc những ngôi chùa vừa thờ Phật vừa thờ Thánh. Người ta cho rằng, cây gạo với những chiếc gai ở thân cây cũng được coi là chiếc thang bắc lên trời, là cái gạch nối trong mối giao hòa giữa cha trời và mẹ đất.
Cây Thông-Tùng:Tượng trưng cho người quân tử, học rộng tài cao, cũng là biểu tượng cho sự kiên tâm giữ vững được phẩm chất cao đẹp của mình trước phong ba bão tố. Thông là biểu tượng của thánh nhân, mang cốt cách thanh tao, thoát tục, gần gũi với tâm hồn vô vi của đạo Lão và tư tưởng của Thiền tông. Cây thông với dáng đứng thẳng của mình còn được coi như là gạch nối giữa trời và đất, để cho âm dương giao hòa. Thông còn là hiện thân của trí tuệ, sự thông hiểu. Và đó chính là đạo, là con đường nhắc nhở và dẫn dắt kiếp tu tới siêu thoát.
Cây Trúc/Tre: Là những loài cây có nhiều ý nghĩa vượt ra ngoài lẽ tự nhiên. Tre, trúc mọc quần tụ đông đúc được cho là biểu trưng của sự hợp quần của các tín đồ. Hơn nữa, cây trúc với gióng thẳng từ xưa đã được coi là tượng trưng cho người quân tử có phẩm chất ngay thẳng cao thượng. Ngoài ra, những thân tre, trúc nhiều đốt còn mang tư cách là chiếc thang lên trời trong ước vọng thông linh trời đất, tre thường được dùng để treo cành phan. Với đạo Phật, tre, trúc với ruột rỗng còn là biểu tượng của tâm không dẫn dắt Phật tử trở về với bản thể chân như để thấy Phật tâm. Trong tín ngưỡng dân gian chịu ảnh hưởng của đạo Phật thì tre trúc còn thông qua hình dáng vươn cao đu đưa theo gió mà có ý nghĩa tùy duyên mà hóa độ.
Cây Muỗm – Sấu: Thường được trồng nhiều ở các di tích, đặc biệt là các chùa. Ngoài tính chất hữu dụng trong đời sống thường nhật, các cây um tùm này còn có ý nghĩa là nơi nương dựa của các vong hồn, nhờ trú ngụ ở đây mà các vong hồn có thể được nghe kinh, nương cửa phật mà siêu sinh tịnh độ.
Hoa Huệ: Hương hoa huệ mới đánh thức mạnh mẽ cõi tâm linh của con người gợi ra một sự thờ phụng.
Hoa Lan: Hương hoa lan hồn nhiên, tươi trẻ, khiến cho con người liên tưởng đến sự thánh thiện.
Hoa Sen: Hương hoa lành, dinh dưỡng tinh thần, hương sen giúp được cho con người ta trút bỏ những tục luỵ của trần thế khi ngửi đến nó, cái thân phận của hoa sen cũng gợi sự thanh tao cao thượng mặc dù mọc lên từ bùn. Đây chính là thân phận con người.
Ngoài những cây phổ biến trên, các loài cây như lim, sao, xà cừ, nhãn, thị, đa cũng tạo bóng mát và góp phần cho di tích có một không gian xanh tươi, làm tĩnh tại tâm hồn những phật tử mỗi khi đến hành hương.
6 – Đơn vị tổ chức
Đơn vị tổ chức và truyền thông: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Đơn vị thực hiện: Công ty Cổ phần Truyền thông King Land
Trang website của chương trình: www.chuaxanh.net
Thông tin về chương trình xin vui lòng liên hệ Mr Tùng
Điện thoại: 0913328166