Đó là tâm nguyện đã trở thành “kim chỉ nam” trong cuộc đời và hành trình tu tập của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini) – Nepal, người luôn coi việc trồng cây là sứ mệnh của mình khi đặt chân đến bất cứ vùng đất nào.
Nhân sự kiện Chính phủ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, đồng thời xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Hòa thượng Thích Huyền Diệu để hiểu rõ hơn sự màu nhiệm và giá trị nhân văn sâu sắc của mỗi cây xanh đối với cuộc sống con người.
Thưa thầy, đề xuất trước Quốc hội về giải pháp chống thiên tai, Thủ tướng đưa ra sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong vòng 5 năm tới, trong đó có trồng cây tại các khu đô thị. Là người từng gửi gắm ước mơ “trồng cây nhiều nơi trên thế giới”, để làm cho thế giới tươi đẹp hơn, quan điểm của thầy về đề xuất này như thế nào?
- Thầy thấy đây là một ý tưởng rất tuyệt vời, Việt Nam nên tiên phong thực hiện. Thầy mong rằng sau khi 1 tỉ cây xanh này được trồng, chất lượng không khí ở các thành phố sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Sáng kiến này nên trở thành phong trào hàng năm, được thực hiện rộng rãi trên cả nước. Nếu Chính phủ và nhân dân làm được việc này thì sẽ đi vào lịch sử vì chưa có đất nước nào đi tiên phong, đặc biệt trong giai đoạn môi sinh bị khủng hoảng như hiện nay. Mong rằng, quý vị giữ lời hứa, không phải trong vòng 5 năm mà càng sớm càng tốt.
Được biết sau khi có đề xuất này của Thủ tướng, thầy đã phát nguyện trồng 1 triệu cây xanh. Thầy có thể chia sẻ thêm về phát nguyện này?
- Thầy đi xa Việt Nam hơn 50 năm, chưa làm được gì đóng góp cho đất nước nên thầy buồn lắm. Cách đây mấy chục năm, khi còn làm ở Ấn Độ, thầy có đề cập rất nhiều đến vấn đề môi trường và cây xanh nên đặc biệt quan tâm đến việc trồng cây bảo vệ môi sinh.
Nếu bây giờ, được Chính phủ và người dân ủng hộ thu xếp cho một khu đất trống, thầy mơ ước được trở về và sẽ trồng 1 triệu cây xanh như một lời tri ân đất nước Việt Nam và ông bà tổ tiên. Thầy không có điều kiện về tài chính nhưng sẽ bán đấu giá tất cả những tranh ảnh đã sưu tập được, kể cả quần áo của mình để thực hiện mơ ước này. Thầy muốn nhấn mạnh lại, chúng ta nên trồng cây càng sớm càng tốt.
Tại sao thầy lại nói là ước mơ vì những việc thầy làm trong cuộc đời đều là ước mơ, ngay việc xây chùa Việt Nam trên đất Phật - Ấn Độ và Nepal hay dựng cầu hòa bình cho thế giới cũng là ước mơ. Chỉ đến khi ngôi chùa được làm xong thì mọi người mới biết. Như vậy, nếu muốn làm việc gì tốt thì cứ âm thầm làm, không cần nói nhiều, nên loại trừ bệnh “NATO” (No action, talking only – Không làm, chỉ nói).
Trên 50 năm sống ở nước ngoài, đi làm thuê ở hơn 80 nước trên thế giới, chưa bao giờ thầy gặp khó khăn, thầy luôn nhắc mình phải nhớ đến lòng tri ân theo lời dạy của một vị sư phụ: “Trong cuộc đời này con phải tri ân và không được bao giờ làm khổ cho bất cứ một dân tộc hay nước nào từng cho con cơm ăn hay nước uống...”. Thầy đã sinh ra và trưởng thành nơi đất nước Việt Nam, được cha mẹ nuôi dưỡng, Thầy Tổ dạy dỗ và biết bao nhiêu người yêu thương giúp đỡ nên thầy phải luôn răn mình rằng đừng bao giờ làm bất cứ một việc gì gây đau khổ cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Tinh thần cao thượng, triết lý tri ân nhân nghĩa mà thầy đã được học luôn in sâu vào tâm trí.
Nhờ lòng tri ân đất nước mà thầy xây được hai ngôi chùa mang tên nước Việt Nam (Việt Nam Phật Quốc Tự - Buddha Gaya, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi xứ Ấn Độ; Việt Nam Phật Quốc Tự - Lumbini (Lâm Tỳ Ni), ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần). Nhờ tri ân Đức Phật, thầy cũng đã đóng góp để đưa Lâm Tỳ Ni từ một vùng đất đầm lầy hoang vu trở thành một quần thể văn hóa Phật giáo không chỉ của Nepal mà của cả thế giới. Và thầy báo tin mừng là một phi trường quốc tế sắp hoàn thành ở nơi này. Thầy sẽ tiếp tục trồng nhiều cây xanh ở đây.
Nếu người Việt Nam nào mà trồng được 1.800 cây xanh trên đất nước mình thì tên của người đó sẽ được khắc vào bia đá ở Việt Nam Phật Quốc Tự - Lumbini (Lâm Tỳ Ni), và khi sang Nepal, thầy sẽ có một chỗ ở thật đặc biệt bố trí một chuyến bay đặc biệt thăm quan trên vùng Hy Mã Lạp Sơn. Thầy sẽ thực hiện lời hứa này đến khi nào còn sống.
Nếu có dịp, người Việt có thể đi theo đoàn đến thăm xứ Bhutan nằm dọc theo dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, được mệnh danh là một “Vương Quốc hạnh phúc nhất thế giới”. Nơi này rất tuyệt vời, đến 65% diện tích họ dành cho giữ gìn cây xanh.
Hòa thượng Thích Huyền Diệu là người ngoại quốc đầu tiên được Chính phủ Vương quốc Nepal cấp đất xây dựng An Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa đầu tiên tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Đức Phật Thích Ca giáng trần, để từ đó, gần 40 quốc gia khác hưởng ứng xây dựng chùa của nước mình, tạo thành một Liên hiệp quốc Phật giáo tại Lumbini. Với trọng trách là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo quốc tế Lumbini, thầy được Chính phủ Vương quốc Nepal quý trọng, ủng hộ như một nhân vật phát tâm đóng góp công sức xây dựng phát triển Lumbini thành một trung tâm văn hóa tâm linh quốc tế, góp phần nâng cao sự tín nhiệm và vị thế của Nepal trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại.
Trong mỗi chuyến hành hương về đất Phật - Ấn Độ và Nepal, bất kỳ người Việt Nam nào cũng muốn dành thời gian ghé thăm An Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật, ngôi chùa giản dị, ẩn mình giữa màu xanh của thiên nhiên.
Với đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh từ Thủ tướng, theo thầy Việt Nam cần những quyết sách như thế nào để đảm bảo được sự chăm sóc, nuôi dưỡng xứng tầm nếu chúng được thực hiện?
- Trồng một cái cây cũng như nuôi dưỡng một con người, không đơn giản chỉ là đào hố, trồng cây xuống là xong, mà còn cần chăm sóc, bón phân, thương yêu, phải trân trọng thì cây mới lớn được. Chúng ta phải có phương pháp trồng, vì mỗi loại cây sẽ thích ứng với một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Chính quyền địa phương ở bên này, họ đánh giá chùa Việt Nam của mình là ngôi chùa có môi sinh tốt nhất. Thầy mong sẽ đem được tất cả các cây quý trên thế giới về trồng trên quê hương mình.
Sáng kiến 1 tỉ cây xanh mà Chính phủ Việt Nam đề xuất cần phải làm ngay lập tức vì cuộc sống này là vô thường, nên khi đã nói là phải thực hiện luôn.
Nước ta là một nước nông nghiệp, phải tận dụng thế mạnh của mình, không phải cái gì cũng học theo các nước khác được, bây giờ mình phải sản xuất nông nghiệp, trong đó quan trọng là trồng cây. Chúng ta phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh về địa hình, đất đai và những tài nguyên sẵn có.
Thưa thầy, nói riêng về Hà Nội, trong 5 năm qua, thủ đô đã trồng được hơn 1 triệu cây xanh. Thầy đánh giá như thế nào về việc làm này của các cấp, chính quyền và người dân Hà Nội?
- Việc làm này là tốt! Thành phố Hà Nội giờ đã đổi thay rất nhiều, giao thông đô thị phát triển, dân số tăng nên việc trồng thêm cây xanh là giải pháp cực kỳ cấp bách và cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để gìn giữ môi trường trong lành hơn thì chính quyền, thành phố cần đưa ra giải pháp lâu dài để khuyến khích người dân sử dụng xe điện, dùng phương tiện giao thông công cộng, bớt dùng các chất hóa học đổ xuống đất, nước, ao hồ,… Hà Nội có hệ thống hồ điều hòa vô cùng tuyệt vời, nên chăng cần bảo vệ tối đa và duy trì các hồ này cùng với hệ thống cây xanh.
“Thầy một mực tin tưởng rằng, nếu như tất cả chúng ta biết yêu thương xứ sở của mình, biết làm việc phúc đức, biết tôi luyện ý chí để vươn tới thành công, biết nuôi dưỡng văn hóa hiếu hòa trong tâm hồn thì xung quanh chúng ta sự màu nhiệm sẽ luôn lấp lánh, kì diệu và bất ngờ. Cũng giống như câu chuyện mà loài chim quý hiếm đã bay về ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật làm bạn với tôi và mang lại cho tôi những bài học quý giá về cuộc sống”, Thầy Huyền Diệu – An Việt Nam Phật Quốc Tự Ấn Độ -Nepal…
Đức Phật rất quan tâm đến vấn đề môi sinh, vậy xin thầy chia sẻ thêm về giá trị nhân văn của việc trồng cây theo quan niệm của Phật giáo?
- Đức Phật rất tôn trọng về vấn đề chúng sinh, cây xanh. Ngài được sinh ra dưới gốc cây Vô ưu; Khi đắc đạo, Đức Phật đã ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ đề và từng bước giác ngộ được các giáo lý của Phật giáo; Khi Đức Phật niết bàn hay “viên tịch” (tức là sự an nghỉ vĩ đại nhất) thì ngài nằm trên phiến đá giữa hai cây Sa-la. Điều này cho thấy rằng, giáo lý, tinh thần Đức Phật gắn liền với môi sinh. Đức Phật dạy rằng mọi chúng sinh đều có Phật tính. Phật giáo nhắc nhở nhiều đến việc bảo vệ thiên nhiên, cây cối, thảo mộc, không phải vì những loài cây có linh hồn nên phải được xót thương, mà vì thiên nhiên giúp cho bao nhiêu sinh vật sống còn và ẩn náu.
Có người từng nói, trồng một cây xanh là đã gieo được một cội phúc cho mình, nếu trồng nghìn cây xanh thì đã gieo được nghìn cội phúc. Nên cái nghiệp trồng cây xanh tạo nên Phúc rất lớn cho bản thân mình và muôn đời con cháu.
Trân trọng cảm ơn thầy!
Kính chúc thầy sức khỏe để tiếp tục gieo duyên lành ở nhiều vùng đất trên thế giới!