Cô gái Việt được vinh danh “anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học”

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ cho nghiên cứu, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để bảo vệ đa dạng sinh học tại khu vực miền Trung, Lê Thị Trang, Phó giám đốc GreenViet (Đà Nẵng) đã được Quỹ Đối tác hệ sinh thái trọng điểm (CEPF) vinh danh là "Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học". Lê Thị Trang là người phụ nữ duy nhất của Việt Nam được xướng tên trong danh sách này.
Dừng gây nuôi thương mại động vật hoang dã để bảo tồn đa dạng sinh họcBiến đổi khí hậu có thể là cơ hội cho đa dạng sinh học phát triển"Hành động 3 không" chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Sứ mệnh bảo vệ đa dạng sinh học

Để gặp được Lê Thị Trang, kỹ sư môi trường, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh tại Đà Nẵng (GreenViet), chúng tôi phải hẹn trước mấy ngày bởi lẽ cô gái trẻ này lúc nào cũng tất bật với các chuyến đi, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học.

co gai viet duoc vinh danh anh hung diem nong da dang sinh hoc
Lê Thị Trang - "Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học".

Tự tin, năng động, nhiệt huyết - đó là những cá tính có thể đọc được trên gương mặt của nhà bảo tồn trẻ. 34 tuổi nhưng Trang đã có hơn 15 năm dấn thân, tìm tòi, học hỏi và cống hiến cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên.

Trang tâm sự: "Mình yêu môi trường, động vật từ khi còn nhỏ. Lớn lên, đăng ký thi vào khoa Môi trường - Đại học Bách khoa Đà Nẵng để thỏa sức nghiên cứu, tìm hiểu thế giới sinh vật. Tại đây, mình đã tự đứng ra thành lập một câu lạc bộ về môi trường để bảo vệ các loài động vật hoang dã".

Sau khi tốt nghiệp, Trang làm việc trong nhóm dự án Mac Arthur khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Trung tâm Giáo dục thiên (ENV), phụ trách khu vực từ Quảng Trị đến Gia Lai, nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã và kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Với mong muốn góp công sức và kinh nghiệm để phát triển các chiến lược truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực, từ tháng 4/2013, Trang về với GreenViet. Những ngày đầu thành lập GreenViet, khi chưa có bất kỳ dự án nào tài trợ, làm bảo tồn "không công" là điều mà nhà bảo tồn trẻ đầy nhiệt huyết như Trang dám đương đầu.

co gai viet duoc vinh danh anh hung diem nong da dang sinh hoc
Trang giới thiệu về tầm quan trọng của bảo vệ đa dạng sinh học với học sinh.

Trong gần 7 năm qua, nhiều chương trình đã được Trang và các cộng sự của Green Việt thực hiện, chuyển tải các thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường, thiên nhiên, động vật hoang dã, không nuôi nhốt, sử dụng thịt động vật hoang dã… lồng ghép đưa vào các buổi sinh hoạt dân phố tại địa phương; các giờ học ngoại khóa cho học sinh, sinh viên; các buổi triển lãm tranh, ảnh; các buổi trải nghiệm thực tế trên Bán đảo Sơn Trà để người dân trên địa bàn được hiểu rõ và tận mắt nhìn thấy những giá trị về môi trường, động vật hoang dã mà thiên nhiên đang mang lại cho chính nơi các cư dân sinh sống.

Một số chương trình tiêu biểu Trang tham gia thực hiện như "Hành trình Tôi yêu Sơn Trà' hay 'Hiệp sĩ rừng Sơn Trà" – những chương trình trải nghiệm thiên nhiên đã góp phần thay đổi nhận thức hơn cho người dân thành phố Đà Nẵng, nhất là các em nhỏ về vẻ đẹp và các giá trị của Bán đảo Sơn Trà cũng như loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm.

co gai viet duoc vinh danh anh hung diem nong da dang sinh hoc
Mang câu chuyện về bảo tồn động vật hoang dã chia sẻ với các chuyên gia ở San Diego.

Mong muốn lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến với cộng đồng

Lê Thị Trang chia sẻ, nhận thức của người dân về giá trị của rừng Sơn Trà đã thay đổi rõ rệt, hình ảnh con voọc chà vá chân nâu, được thế giới biết đến với với tên gọi "Nữ hoàng của các loài linh trưởng". Người dân đã lên tiếng mạnh mẽ khi thấy rừng bị xâm hại, các loài động vật bị săn, bẫy, bắt. Các cơ quan chính quyền thành phố cũng đã đồng hành đưa các hình ảnh về Voọc chà vá chân nâu, thiên nhiên Sơn Trà đến các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thiên nhiên, giới thiệu quảng bá về du lịch…

Khi câu chuyện bảo tồn ở Sơn Trà tạm ổn, bước chân Trang lại "in dấu" trên từng ngõ rừng, góc núi ở Quảng Nam và Kon Tum. Ở đó có loài linh trưởng quý hiếm là Voọc chà vá chân xám đang cần được bảo vệ. Hành trình này kêu gọi sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn và hướng đến xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên; tuyên truyền người dân không săn bắn động vật hoang dã và tham gia bảo vệ rừng…

co gai viet duoc vinh danh anh hung diem nong da dang sinh hoc
Lê Thị Trang hướng dẫn cho các giáo viên tìm hiểu thiên nhiên Sơn Trà.

Giám đốc điều hành CEPF – ông Olivier Langrand chia sẻ, chuyên gia Trang và tổ chức GreenViet đã thúc đẩy hành động của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và thân thiện môi trường. Kêu gọi Chính phủ và các doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ các hệ sinh thái. Bởi vì bảo tồn đa dạng sinh học chính là chìa khóa để phát triển bền vững.

Chia sẻ niềm vui với báo TN&MT, Lê Thị Trang khiêm tốn bảo rằng mình hiểu giải thưởng này được trao cho nỗ lực tuyệt vời của rất nhiều người trong câu chuyện bảo vệ Sơn Trà. Ở đó, Trang chỉ đóng vai trò thúc đẩy, kết nối các bên để cả cộng đồng bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học của họ. "Đây là sự ghi nhận các nỗ lực của cả đội GreenViet trong việc bảo vệ các sinh cảnh quan trọng của các quần thể Chà vá, và đặc biệt là các người hùng thầm lặng đã chiến đấu hết mình để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Sơn Trà"- Trang nói.

co gai viet duoc vinh danh anh hung diem nong da dang sinh hoc
Giới thiệu Vọoc chà vá chân nâu ở Hội nghị bảo tồn Bắc Mỹ - bang Wiscosin.

Với Trang, việc được vinh danh "Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học" không chỉ là niềm vui mà còn là sự khích lệ lớn lao trong nỗ lực hoạt động bảo tồn, lan tỏa tinh thần bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng và truyền cảm hứng đến bạn trẻ việc bảo vệ các quần thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

"Thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động thay đổi thái độ, hành vi của người dân, du khách tham gia vào công tác bảo vệ rừng khi đến với Sơn Trà. Thứ hai, tôi sẽ đưa chính Sơn Trà làm niềm tự hào và động lực để khuyến khích các cộng đồng địa phương tương tự bảo vệ khu bảo tồn của họ ví dụ như Cù Lao Chàm, Phú Quốc, v.v..." - Trang chia sẻ.

Chia tay cô gái mạnh mẽ, xốc vác đầy tình yêu môi trường này, tôi hiểu phía trước của Trang sẽ vẫn là hành trình dài của những dự án, chương trình vì màu xanh thiên nhiên.

CEPF là chương trình toàn cầu do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) điều phối thực hiện. Cứ 5 năm 1 lần, CEPF lựa chọn ra những cá nhân, tổ chức để vinh danh. Những người được vinh danh là “anh hùng” đều có những đóng góp nổi bật trong việc bảo tồn các điểm nóng.

Danh hiệu “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” (Hotspot Heroes) năm 2020 được CEPF công bố nhân ngày đa dạng sinh học thế giới cho 10 nhà bảo tồn đến từ các khu vực điểm nóng đa dạng sinh học (gồm Việt Nam, Jamaica, Brazil, Liberia, Fiji, Kenya, Indonesia, Mauritius, Pháp, Colombia). Những anh hùng này được lựa chọn từ hàng trăm tổ chức xã hội tại các vùng điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu.

Lan Anh
Theo TN&MT