Cơ hội cho du lịch Việt Nam phục hồi và bứt phá

Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, với khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Du lịch biển đảo - Thế mạnh của du lịch Việt NamCác tỉnh vùng Đông Nam Bộ đẩy mạnh liên kết phát triển du lịchViệt Nam hướng tới mục tiêu phát triển du lịch xanh và bền vững

Quốc gia có chính sách mở cửa du lịch cởi mở nhất thế giới

Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa du lịch và không có rào cản hạn chế du khách. Điều này cho thấy du lịch Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tốt và đảm bảo các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, đặc biệt khi nhu cầu của du khách có những sự thay đổi sau dịch. Dữ liệu từ công cụ tìm kiếm điểm đến của Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch.

Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt ngày 15.3.2022, Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các cửa khẩu, bằng đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước Covid-19. Không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào với khách nội địa. Với việc mở cửa này, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới.

Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, trong đó miễn visa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ; khôi phục lại quy trình và thủ tục xuất nhập cảnh như trước dịch Covid-19; áp dụng visa điện tử cho 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm Du lịch quốc gia khai mạc tại Quảng Nam sau 10 ngày Việt Nam tiến hành mở cửa du lịch (15/3/2022) với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ và sự ủng hộ của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho thấy lãnh đạo Chính phủ dành nguồn động viên to lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Qua sự kiện này cũng kỳ vọng chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hòa, mến khách đến với bạn bè quốc tế.

Cơ hội cho du lịch Việt Nam phục hồi và bứt phá - Ảnh 1
Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới.

Tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, chúng ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu.

Tuy nhiên, đây cùng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Muốn vậy, một mặt, chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, hòa giải, "Việt Nam - Đất nước an toàn", hình ảnh "Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn", một điểm đến với "vẻ đẹp bất tận".

Kỳ vọng phục hồi tăng trưởng trước đại dịch

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 11 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 3 triệu người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nội địa sau 11 tháng của năm 2022 đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019.

Theo khảo sát các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành và vận tải của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) trong tháng 10-11/2022, cho thấy, có đến 32,6% số doanh nghiệp cho biết, doanh thu đã tăng lên trong 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 14% số doanh nghiệp cho biết doanh thu giảm. 60% doanh nghiệp ghi nhận số lượt hành khách phục vụ hiện tại đang ở dưới mức trước đại dịch, 44,4% trong số đó kỳ vọng sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch vào quý 2/2023.

Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á; Việt Nam lần thứ 6 đoạt danh hiệu "Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á" tại giải thưởng World Golf Awards 2022 cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác dành cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.

Với những nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài theo chủ đề "Live fully in Vietnam", website vietnam.travel của Tổng cục Du lịch tăng hạng mạnh trên thế giới. Theo số liệu từ chuyên trang similarweb.com, tháng 10/2022 website vietnam.travel xếp hạng 152 nghìn trên toàn cầu, tăng 423 nghìn bậc so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng hạng này cao vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan… chưa mở cửa hoàn toàn. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực. Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến ngành du lịch sẽ mạnh mẽ hơn; xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam đón nhận hàng loạt giải thưởng du lịch thế giới 2022

Trong Lễ trao giải hồi tháng 11 ở Oman, Việt Nam được chọn ở hạng mục "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2022" của World Travel Awards 2022 (WTA). WTA, được ví như Oscar của ngành du lịch, trao giải cho khoảng hơn 80 hạng mục ở mỗi kỳ, trong đó có nhiều điểm đến của Việt Nam.

Trong đó, Hà Nội thắng giải "Thành phố hàng đầu thế giới cho các kỳ nghỉ ngắn ngày". Để được vinh danh ở hạng mục này, Hà Nội đã vượt qua những nơi khác trên bản đồ du lịch thế giới như Athens (Hy Lạp), Dubai (UAE), Geneva (Thụy Sĩ), Las Vegas và New York (Mỹ) cũng như quán quân năm 2020 Lisbon (Bồ Đào Nha).

Mộc Châu (Sơn La) là "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới". Trước đó, nơi này đã nhận giải thưởng "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu khu vực của châu Á", cũng do WTA bình chọn.

Cúc Phương được vinh danh tại hạng mục "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á 2022". Nằm cách Hà Nội 120 km về phía nam, Cúc Phương được thành lập 1962, thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, có tổng diện tích 22.408 ha nằm sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách.

Phú Quốc và Côn Đảo (ảnh) cũng góp mặt ở hạng mục "10 hòn đảo hàng đầu Đông Nam Á (Best island in Southeast Asia)" của Travel & Leisure. Trong đó, Phú Quốc đứng thứ tư và Côn Đảo thứ 10. Những điểm đến du lịch nổi tiếng khác cũng xuất hiện trong danh sách này là Phuket, Koh Samui, Koh Phi Phi (Thái Lan); Langkawi, Penang (Malaysia); Lombok, Baili (Indonesia); Palawan (Phillippines).

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết