Công bố mẫu đề thi đánh giá năng lực năm 2020 tại TP.Hồ Chí Minh

Ngày 12/12, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố lịch thi và đề thi mẫu của Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020. Theo đó, kỳ thi năm 2020 được tổ chức hai đợt ở nhiều địa phương.
Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức: Bao giờ bớt hình thức?Vì sao SGK Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị loại?Trường ĐH Nội vụ ký kết hợp tác với Vụ Đánh giá và phát triển công chức Lào
cong bo mau de thi danh gia nang luc nam 2020 tai tpho chi minh
Thí sinh tham gia kỳ thi năm 2019 tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở đợt một, ngày thi 29/3/2020, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa. Đợt hai, ngày thi 5/7/2020, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa. Theo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực, tùy theo ngành, sẽ dao động từ 30-45% tổng chỉ tiêu.

Bài thi đánh giá chú trọng các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.

Theo PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các năm qua, Đại học Quốc gia đã tập trung xây dựng ngân hàng đề thi với số lượng lớn, chất lượng cao, theo quy trình xây dựng chặt chẽ với đội ngũ những chuyên gia đến từ các đại học thành viên, các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường phổ thông trung học. Những câu hỏi đã thông qua nhiều vòng phản biện và thẩm định cẩn trọng bởi chuyên gia và đánh giá thực tế trên đối tượng học sinh.

Theo sinh viên Nguyễn Phú Nghĩa (thủ khoa Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 với mức điểm đạt điểm 1.108/1.200), bài thi đánh giá năng lực tạo nhiều hứng thú về cách đặt vấn đề, buộc thí sinh phải tư duy theo một cách khác, chứ không theo khuôn mẫu được dạy trên ghế nhà trường phổ thông. Với các đề thi khác, thí sinh có thể dựa vào kinh nghiệm giải đề trước đó để hoàn thành bài thi. Nhưng với bài thi đánh giá năng lực, nếu thí sinh không thật sự hiểu được kiến thức đã học và tích lũy kiến thức đời sống thì sẽ không thể làm tốt bài thi này.

Đánh giá về việc này, TS Quách Hoài Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho rằng: “Kỳ thi đánh giá năng lực có nhiều ưu điểm là đánh giá được năng lực cần thiết của người học, gọn nhẹ, không gây khó khăn cho thí sinh và phụ huynh, có thể triển khai tổ chức hiệu quả với quy mô lớn và nhiều đợt trong năm”.

Còn theo nhà giáo Ngô Phạm Hưng Thịnh (Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Nguyễn Du, Thành phố Hồ Chí Minh): “Đây là hình thức đổi mới cải tiến để giáo viên cải cách hình thức ra đề, học sinh thay đổi cách thức làm bài so với làm giấy bút truyền thống. Giáo viên và học sinh tương tác trên sự thay đổi về hình thức. Các em rất phấn khởi, hứng thú, giáo viên như chúng tôi cũng thích sự thay đổi này”.

Dịp này, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố đề thi mẫu của Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020, gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút. Thí sinh có thể xem các thông tin liên quan đến kỳ thi (bài thi mẫu; hướng dẫn đăng ký dự thi và đóng lệ phí dự thi; các câu hỏi thường gặp về kỳ thi…) tại địa chỉ website:
http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/ hoặc
http://cete.vnuhcm.edu.vn/thi-danh-gia-nang-luc.html.

Theo Minh Anh/Nhân dân