Công trình xanh cần được xem là định hướng phát triển các dự án bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng công trình xanh cần được xem là định hướng chiến lược để phát triển thị trường BĐS nói chung và BĐS xanh nói riêng.
Phát triển công trình xanh ở Việt Nam: Nhiều rào cản

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường toàn cầu ngày một nghiêm trọng và bất động sản xanh (BĐS xanh - PV) hiện nay là xu thế phát triển chung trên thế giới. Ở các nước phát triển, BĐS xanh trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá về chất lượng cuộc sống.

Tại Việt Nam, cụm từ bất động sản xanh cũng dần xuất hiện tại nhiều dự án. Những dự án này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chúng được sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và không gian tiện ích cây xanh, mặt nước chiếm diện tích lớn. 

tm-img-alt
Thay vì mật độ bê tông hóa dày đặc, chủ đầu tư đã tạo ra không gian sống có nhiều cây xanh giúp cảnh quan hài hòa hơn. (Ảnh: Internet).

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước, các Hiệp hội BĐS cũng là những đầu mối chủ chốt trong việc đặt nền móng xây dựng, định hướng, gắn kết các doanh nghiệp phát triển BĐS xanh ở Việt Nam hiện nay.

Trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nhiều năm qua, Hiệp hội rất chú trọng vào việc phát triển BĐS xanh. Hiệp hội đang kết hợp cùng với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ TN&MT) khuyến khích các doanh nghiệp triển khai dự án BĐS xanh. 

tm-img-alt
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)

Ông Châu cho rằng: “Mỗi dự án xanh như một viên gạch, để xây dựng nên nền móng của tương lai”. Đây là cách ví von rất đúng với thực tiễn. Bởi lẽ BĐS xanh ở Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạt khởi đầu. Hiện cả nước có khoảng 5.000 dự án BĐS nhưng dự án BĐS xanh chỉ chiếm số lượng rất nhỏ, rất khiêm tốn. 

Để giúp các doanh nghiệp BĐS có cái nhìn rõ hơn về định hướng phát triển BĐS xanh, ông Lê Hoàng Châu cho rằng phải khuyến khích các doanh nghiệp, coi đây là định hướng chiến lược để phát triển thị trường BĐS nói chung và BĐS xanh nói riêng. Đó là các công trình hướng đến sử dụng tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện môi trường. 

tm-img-alt
Với thiết kế không gian mở, dành nhiều diện tích cho cây xanh, mặt nước giúp tăng cảnh quan của dự án. (Ảnh: Internet).

Đối với Nhà nước, đó chính là định hướng về quy hoạch, về xây dựng và sự phát triển của các ngành kinh tế. Bởi sự phát triển kinh tế gắn liền với sự phát triển của BĐS xanh.

“Nếu chủ đầu tư thực hiện dự án BĐS cao cấp phải dành nhiều diện tích mặt nước và không gian cây xanh trong dự án. Tỉ lệ đó càng cao thì đẳng cấp của dự án càng cao. Đối với các dự án nhỏ hơn cũng phải hết sức quan tâm đến yếu tố xanh, thân thiện môi trường”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA chia sẻ.

tm-img-alt
Sự cân đối, hài hòa trong môi trường sống. (Ảnh: Internet).

Cũng theo ông Châu, một vấn đề không thể bỏ qua đó chính là định hướng của các chủ đầu tư. Vấn đề này xuất phát từ chiến lược và trách nhiệm với cộng đồng của chủ đầu tư. Bởi họ phải nhận thức được tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay là cực kỳ lớn và nghiêm trọng đối với tương lai nhân loại. Chủ đầu tư nhận thức càng cao, các dự án sẽ càng thân thiện với môi trường. Mỗi dự án như một viên gạch để xây dựng nên nền móng tương lai. Tương lai ở đây là mãi mãi về sau, chứ không phải là tầm nhìn ngắn hạn trước mắt.

Tuy nhiên, việc phát triển BĐS xanh hiện nay vẫn còn nhiều rào cản. Đối với việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường phải đi đôi với ứng dụng khoa học kỹ thuật và chi phí. Bởi chi phí sản xuất ra không hề rẻ so với mặt bằng chung của Việt Nam. Thậm chí, có tình trạng vấn đề ô nhiễm môi trường cũng bắt đầu từ việc sản xuất ra vật liệu thân thiện môi trường.

“Ví dụ như sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường như điện mặt trời. Bản chất quá trình sản xuất cũng đã xảy ra ô nhiễm, thậm chí khi hết hạn thì việc xử lý cũng rác vô cùng tốn kém. Như Luật Bảo vệ môi trường hiện nay quy định, ai xả rác người đó phải trả tiền. Tôi nghĩ người có thu nhập cao họ lại phải trả ít hơn người có thu nhập thấp. Bởi lẽ đa số người có thu nhập cao họ sử dụng sản phẩm tinh, ít phát sinh rác thải hơn. Đó là một bài toán khó cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng”, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ quan điểm.

tm-img-alt
Để được tận hưởng các tiện ích của BĐS xanh, khách hàng phải là người có nguồn lực tài chính tốt. (Ảnh: Internet).

Nếu chỉ tiêu về môi trường, cây xanh, mặt nước cao quá sẽ làm tăng giá thành của BĐS. Bởi hiện nay, trong một dự án bình thường mà làm theo tiêu chuẩn BĐS xanh của thế giới và Việt Nam, giá thành sẽ tăng từ 5-15%, tùy theo áp dụng tiêu chuẩn này ở giai đoạn khởi đầu của dự án hay trong quá trình dự án đang được triển khai. Nếu triển khai sớm từ giai đoạn đầu chi phí sẽ giảm. Những chi phí này sẽ được cộng vào giá bán và người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Thực trạng BĐS xanh hiện nay mới chỉ thể hiện ở một con số đáng khiêm tốn so với tổng các dự án BĐS trên cả nước. Nhưng đây là một điều đáng ghi nhận, bởi phát triển BĐS xanh không chỉ ngày một, ngày hai, mà đó là cả một quá trình, cần sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trước thực trạng môi trường như hiện nay, cần có những nghiên cứu, biện pháp nhân rộng mô hình BĐS xanh, làm sao giảm thiểu tối đa chi phí để hướng tới nhiều đối tượng khách hàng có nguồn thu nhập thấp hơn.

tm-img-alt
Sự tiện ích của năng lượng tái tạo thì không phải bàn cãi, nhưng vấn đề xử lý loại rác thải này cũng đang là vấn đề thách thức nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Internet).

Ở Việt Nam hiện nay, công trình xanh được đánh giá theo tiêu chuẩn Lotus do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) phát triển. Đây là hệ thống tiêu chí công trình xanh đầu tiên được phát triển dành riêng cho thị trường xây dựng tại Việt Nam. Các yêu cầu của Lotus được điều chỉnh nhằm phù hợp với thực tiễn ngành xây dựng, quy định của Nhà nước và điều kiện khí hậu tại Việt Nam.

Hà Điệp
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường