Phát triển công trình xanh ở Việt Nam: Nhiều rào cản

Mặc dù phát triển công trình xanh (CTX) được cho là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng bị ô nhiễm, nhưng việc phát triển CTX tại Việt Nam lại gặp không ít rào cản.
Lan tỏa thông điệp xanh, làm cho thế giới sạch hơnCộng đồng mạng thi nhau kể chuyện cây xanh và chiến dịch ý nghĩaWB kêu gọi Mỹ Latinh thúc đẩy 'tăng trưởng xanh' trong nông nghiệp

Mặc dù xu hướng phát triển công trình xanh (CTX) được cho là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng bị ô nhiễm, nhưng việc phát triển CTX tại Việt Nam lại gặp không ít rào cản.

So với tốc độ tăng trưởng của thị trường xây dựng hiện nay, số lượng CTX được công nhận ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Lý giải về nguyên nhân này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển CTX ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ kinh phí đầu tư, chính sách pháp lý cũng như kinh nghiệm và năng lực chủ đầu tư, bộ tiêu chí đánh giá CTX tại Việt Nam chưa hoàn thiện.

Theo thống kê của Chương trình phát triển CTX (Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC), đến quý III/2020, tổng số CTX được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình.

Chi phí cao

Rào cản lớn nhất ảnh hưởng tới sự phát triển CTX tại Việt Nam chính là định kiến về mức kinh phí trội thêm một cách đáng kể so với các công trình xây dựng thông thường. Điều này khiến cho doanh nghiệp BĐS sản khi xây dựng CTX bị giảm mạnh về lợi nhuận.

Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng), chi phí khi xây dựng các CTX tại Việt Nam sẽ trội thêm ít nhất từ 10 - 15%.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cho hay, với công trình công cộng, chung cư cao cấp thì mức tăng 10 - 15% là không đáng kể và có thể chấp nhận được đối với một chủ đầu tư BĐS.

Nhưng đối với các công trình nhà ở bình dân, nhà ở trong khu dân cư, chi phí trội thêm 10% đã là quá cao so với thu nhập bình quân của người lao động.

Tuy nhiên, theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, dù sớm hay muộn, các doanh nghiệp BĐS sẽ phải tìm đến CTX như một quy luật tất yếu để bảo vệ môi trường sống, cũng như đáp ứng yêu cầu ngày một cao của người tiêu dùng.

tm-img-alt
Dù sớm hay muộn, các doanh nghiệp BĐS sẽ phải tìm đến CTX như một quy luật tất yếu. (Ảnh minh họa: Internet)

"Một CTX đem lại nhiều lợi ích bền vững như tiết kiệm được 25% - 50% nguồn tài nguyên (giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng), và khoảng 30% chi phí bảo dưỡng công trình. Đặc biệt, trong bối cảnh ô nhiễm không khí, khói bụi ở các thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng, người dân ngày càng có nhu cầu sống trong các không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên", bà Thuận nói.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cho rằng, có thể coi mức kinh phí phụ trội khi xây dựng CTX là một khoản đầu tư dài hạn, có thể giúp chủ đầu tư thu hồi vốn thông qua việc tiết kiệm tài nguyên và chi phí vận hành, bảo dưỡng công trình.

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, các dự án CTX hiện chỉ chiếm 13%, nhưng dự báo sẽ tăng lên 24% vào năm 2021. Sự quan tâm đến công trình lành mạnh cải thiện sức khỏe của Việt Nam cũng chiếm đến 28%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, phát triển CTX là giải pháp tối ưu để giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước và không khí nghiêm trọng như hiện nay.

Rào cản về chính sách

Bên cạnh chi phí cao thì chính sách pháp lý cũng là rào cảnh lớn khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà khi làm CTX. Theo ông Nguyễn Công Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng), mặc dù những lợi ích, hiệu quả về mặt năng lượng, môi trường, kinh tế và sức khỏe của CTX mang lại là rõ ràng và đã được minh chứng cụ thể trong các dự án được cấp chứng nhận CTX, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, số lượng các dự án được cấp chứng nhận CTX còn ít.

Việc phát triển CTX chưa trở thành phong trào rộng khắp, chủ yếu ở đối tượng công trình, dự án của khối tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, chưa có các công trình có vốn ngân sách được thiết kế, thi công xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn CTX.

Để thúc đẩy CTX phát triển tại Việt Nam, theo ông Thịnh cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan. “Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và chúng tôi cũng đã đưa vào dự thảo luật để trình Quốc hội. Chúng tôi sẽ cố gắng luật hóa CTX để chủ đầu tư thực hiện”, ông Thịnh nói.

Rào cản về kỹ thuật

Theo ThS.KTS Trần Thành Vũ - Chủ tịch Hội mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam, mặc dù đã có công cụ đánh giá CTX nhưng thời điểm phát triển mạnh của những công trình này còn chưa xuất hiện. Nguyên nhân của vấn đề nằm ở các rào cản về kỹ thuật, thiết bị, giá thành và nhận thức. CTX phát triển mạnh chủ yếu tại các nước phát triển, nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển.

Việc phát triển CTX tại Việt Nam cũng không thể thiếu yếu tố này. Đáng tiếc là ngành khoa học nhiệt công trình tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, không bắt kịp với xu hướng của thế giới. Đây là điểm mà lãnh đạo các nước châu Âu hiểu rất rõ. Tại Hà Lan, thậm chí còn có khẩu hiệu: Khoa học công trình càng chính xác thì tính bền vững càng cao.

Mối liên hệ giữa 2 vấn đề này tại Việt Nam còn chưa được đánh giá đúng mức. Đó là lý do tại sao việc tăng cường hiểu biết, nhận thức về CTX được thực hiện rất nhiều trong thời gian qua tại Việt Nam, nhưng CTX thực sự lại xuất hiện rất ít. Khoa học nhiệt công trình của Việt Nam cũng đang tính toán bằng phương pháp cũ, chứa nhiều sai số đã không còn phù hợp với nhu cầu mới. Đây là vấn đề có tính gốc rễ và cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

tm-img-alt
(Ảnh: Internet)

Khi các vấn đề bất cập nảy sinh, sự thua thiệt trong đầu tư, trong vận hành công trình xuất hiện bằng các số liệu năng lượng, tài chính cụ thể thì cũng là lúc cần phải nâng tầm của đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư thiết kế. Và cho dù có công cụ đánh giá nào đi chăng nữa thì công cụ quan trọng nhất để thực hiện kiến trúc xanh, thực hiện các thành phố xanh chính là đội ngũ kỹ sư và kiến trúc sư được đào tạo đầy đủ, được làm nghề một cách đúng nghĩa, được trả công xứng đáng.

Thực tế làm nghề hiện nay là kiến trúc sư phải đóng quá nhiều vai, từ thiết kế, tới quan hệ, quản lý, thợ vẽ, với mức thiết kế phí vào loại thấp của thế giới (khoảng 2% giá trị công trình so với 8 - 10% tại các nước khác). Và như vậy, hiệu quả tất yếu của việc đánh giá chất xám quá thấp, quá khác biệt so với thế giới là vấn đề lãng phí năng lượng, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường... Như vậy là nguồn tài nguyên quan trọng nhất là chất xám đã và đang không được đặt vào đúng vị trí của nó. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa thực hiện CTX tại Việt Nam so với các nước trên thế giới.

Để loại hình này phát triển nhanh chóng hơn, các chuyên gia cho rằng, cần chính sách khuyến khích mạnh mẽ. Nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ phát triển mạnh CTX trong thời gian tới. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng. Bộ Xây dựng đang giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển loại hình này để trình cấp thẩm quyền xem xét ban hành. Chính sách này sẽ định hướng và quy định vấn đề liên quan đến yêu cầu phát triển CTX trong các công trình xây dựng mới, hoặc công trình cải tạo, nhất là công trình có quy mô lớn; đầu tư xây dựng thử nghiệm một số CTX từ vốn ngân sách. Từ đó, tổng kết, đánh giá, đề xuất chính sách phát triển.

Hà My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường