Công ty thức ăn chăn nuôi của Masan MeatLife báo lỗ gần 468 tỉ đồng

Trong năm 2019, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) - là công ty con của Masan Meatlife ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 1.875 tỉ đồng, giảm 7% so với năm 2018. Lợi nhuận thuần sau thuế lỗ gần 468 tỉ đồng trong khi năm trước lãi 38 tỉ đồng.
Thủ tướng làm việc cùng các tập đoàn kinh tế tư nhânDoanh nghiệp 'dè chừng' kinh doanh do dịch Covid-1974% doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng
Thị trường chăn nuôi heo khó khăn cộng với chi phí sản xuất tăng cao đã khiến Anco lỗ nặng 468 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 (đã kiểm toán) với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Cụ thể, năm 2019, công ty chỉ đạt doanh thu thuần 1.875 tỉ đồng, giảm 7% so với năm 2018 do hoạt động kinh doanh khó khăn. Lợi nhuận gộp giảm mạnh 79% chỉ còn hơn 53 tỉ đồng.

Cùng với đó doanh thu mảng tài chính cũng sụt giảm mạnh, chỉ đạt chưa tới 5 tỉ đồng trong khi năm 2018 ghi nhận tới 244 tỉ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần sau thuế bị lỗ gần 468 tỉ đồng trong khi năm 2018 có lãi 39 tỉ đồng. Các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều không hoàn thành kế hoạch năm (Mục tiêu doanh thu đăng ký trước đó là 3.680 - 5.600 tỉ đồng).

Theo lý giải của Anco, thị trường chăn nuôi khó khăn cộng với chi phí sản xuất tăng cao là những nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của công ty năm 2019. Đáng chú ý, năm 2019, thị trường chăn nuôi heo tiếp tục gặp khó khăn do sự xuất hiện và lan rộng của dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn heo bị sụt giảm trên phạm vi cả nước, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi heo trên thị trường giảm so với năm ngoái. Chịu tác động chung, doanh thu ngành thức ăn chăn nuôi của Anco giảm 29%, biên lợi nhuận còn bị ảnh hưởng do chi phí sản xuất cố định không thay đổi khi sản lượng sản xuất giảm.

Tiếp đó, ngành thịt bắt đầu đóng góp doanh thu vào quý 4/2019 sau khi Tổ hợp chế biến Hà Nam chính thức đi vào hoạt động. Trong giai đoạn đầu, doanh thu bán hàng chưa đủ bù đắp chi phí sản xuất cố định.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính giảm mạnh do công ty không còn khoản thu nhập cổ tức được chia từ 5 công ty con như trước đây sau khi Tập đoàn thực hiện dự án tái cấu trúc nhằm tập trung chuyên môn hóa ngành nghề kinh doanh theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food).

Về tình hình công nợ, đến cuối năm 2019, Anco ghi nhận tổng nợ phải trả hơn 5.744 tỉ đồng, tăng tới 64% so với hồi đầu năm. Trong đó, chủ yếu là nợ phải trả dài hạn chiếm hơn 3.154 tỉ đồng, là nguồn vốn huy động từ nợ vay và phát hành trái phiếu dài hạn trong thời gian qua. Với vốn chủ sở hữu hiện tại chỉ có 1.550 tỉ đồng, thì quy mô nợ phải trả của Anco đã vượt gấp 3,7 lần vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất thanh khoản tài chính cao, nhất là trong tình hình kinh doanh thu lỗ hàng trăm tỉ đồng năm qua.

Được biết, những khoản nợ vay ngắn hạn của Anco tăng mạnh chủ yếu đến từ vay công ty mẹ công ty cổ phần Masan MeatLife 585 tỉ đồng, vay MNS Feed Vĩnh Long, MNS Feed Tiền Giang và MNS Feed Thái Nguyên khoảng 320 tỉ đồng...

Anco là một công ty chuyên về sản xuất thức ăn chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản) được thành lập năm 2003 với thương hiệu nổi tiếng nhất cũng chính là Anco. Ban đầu, đây là công ty liên doanh giữa Việt Nam và Malaysia và chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2009. Đến năm 2015, Masan Nutri-Science đầu tư nắm giữ 70% cổ phần Anco.

Tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2019 là hơn 7.293 tỉ đồng, tăng 2.380 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Tài sản tăng chủ yếu ở khoản mục tài sản cố định (tăng 1814 tỉ đồng).

Nhật My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường