Doanh nghiệp 'dè chừng' kinh doanh do dịch Covid-19

Ðảm bảo “sức khoẻ” nền kinh tế trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt quan tâm.
74% doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 thángSắp có sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệpCăn hộ 'hộp diêm' 25m2 có hợp pháp hoá sai phạm của doanh nghiệp?

Nhiều doanh nghiệp cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Làn sóng doanh nghiệp dừng hoạt động

Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự lường những phương án ứng phó khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải, thuộc lĩnh vực như: chuyên chở hành khách, vận chuyển hàng hóa và xe tour du lịch đang rơi vào tình cảnh vô vùng khó khăn do lượng khách hàng giảm mạnh hơn 50%, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm liên tục. Hoạt động cầm chừng, giảm chuyến, cắt giảm chi phí cố định, lương cho nhân viên… là những việc mà doanh nghiệp đang làm để bù đắp lỗ, chi phí lãi vay ngân hàng.

Ông Nguyễn Thái Học, Giám đốc Công ty TNHH Ðầu tư phát triển và dịch vụ quốc tế Thiên Sơn cho biết, trước đây mỗi xe của công ty vận chuyển hàng nông sản tuyến Bắc - Nam khoảng 5 chuyến mỗi tháng, nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, số chuyến giảm xuống còn một nửa. Các đối tác lo sợ dịch Covid-19 nguy hiểm nên hoạt động xuất khẩu thanh long, xoài, mít… đã bị tắc nghẽn tại cửa khẩu Trung Quốc, khiến lượng đơn vận chuyển giảm mạnh.

Vốn có hoạt động xuất nhập khẩu lớn với thị trường Trung Quốc, riêng nhập khẩu là 75 tỉ USD trong năm 2019, khi các cửa khẩu bị hạn chế giao thương, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc nguyên liệu đầu vào như dệt may, da giầy, điện tử… đều thiếu hụt nguyên liệu, phải giãn hoãn sản xuất. Dịch Covid 19 bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình cảnh khốn đốn do không đảm bảo kế hoạch sản xuất, đối mặt nguy cơ bị đối tác huỷ bỏ, phạt hợp động.

Thực tế, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hàng trăm công ty đóng cửa, hàng nghìn người mất việc và sắp tới còn nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất. Theo thông tin từ Lao động - Thương binh & Xã hội, trên 30 tỉnh, thành đã có tới 322 doanh nghiệp dừng hoạt động, 553 đơn vị giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, 30 hợp tác xã và gần 300.000 hộ gia đình phải dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất…

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, các hãng hàng không Việt có thể bị thiệt hại tới 10 nghìn tỉ đồng do sụt giảm 50% lượng đặt chỗ chuyến bay quốc tế và khoảng 40% chuyến bay nội địa.

Số thiệt hại của ngành du lịch trong 3 tháng tới, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính sẽ rơi vào khoảng 5-7 tỉ USD do du khách từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật, Hàn… sụt giảm mạnh. Chưa kể tới những thiệt hại từ sự “kiệt sức” của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể như lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…

Một số doanh nghiệp lữ hành lớn tại TP.HCM cho biết số tiền thiệt hại chỉ sau 1 tháng dịch bệnh bùng phát đã lên tới 40 - 50 tỉ đồng, chưa gồm các khoản đề bù, đóng phạt cho đối tác nước ngoài trong trường hợp khách đòi hủy tour mà không thương lượng được. Hàng loạt công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với cán bộ, công nhân viên… nhằm cầm cự qua giai đoạn khó khăn.

Dù cố gắng cắt giảm chi phí, giảm lao động trong tình cảnh “giật gấu vá vai”, song nhiều rất nhiều quán ăn, nhà hàng, khách sạn nhỏ tại các điểm nóng du lịch như Nha Trang, Ðà Nẵng, Phú Quốc… đã phải thông báo đóng cửa.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất, lùi thời gian trả nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tìm cách “giải cứu”

Mới đây, Hội đồng tư vấn du lịch TBA đã gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị với một loạt đề xuất “cứu” ngành du lịch. Cụ thể, TBA đề nghị Chính phủ áp dụng loạt chính sách như miễn thị thực và kéo dài thời hạn thị thực lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào với các nước thuộc châu Âu, Australia, Canada. Ngành du lịch cần tăng công suất và đẩy mạnh các chương trình quảng bá tại Trung Quốc, Ðông Nam Á, châu Mỹ, song song với hoạt động kích cầu du lịch nội địa. Ðề xuất giảm thuế VAT du lịch từ 10% xuống 5%, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng; miễn khoản đóng bảo hiểm xã hội, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp cho tới khi dịch Covid-19 kết thúc… cũng giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Không chỉ kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp còn đối mặt với áp lực trả nợ lớn, nhất là trong tình cảnh dịch bệnh kéo dài, dù cố gắng tiết kiệm và cắt giảm hết mức, thì nhiều doanh nghiệp cũng không thể gồng gánh chi phí lãi vay.

Do đó, các nhà băng Việt đã đồng loạt đưa ra chính sách gỡ khó cho khách hàng, như: giảm lãi suất, lùi thời gian trả nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Cùng với đó là “bơm” thêm vốn ưu đãi, như BIDV giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm (vay bằng VND) và 0,5% (vay bằng USD) so với mức lãi suất thông thường cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, quy mô dư nợ tín dụng được giảm lần này 20.000 tỉ đồng và 100 triệu USD. SHB dành gói 3.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay và giảm 1,5%/năm so với lãi suất thông thường… Việc giảm lãi suất này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới biên lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.

Chia sẻ với người viết, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất đá tự nhiên lớn tại Thanh Hoá, ban lãnh đạo vẫn cố gắng đảm bảo kế hoạch kinh doanh, triển khai việc khai thác các mỏ đá mới. Năm qua, công ty đã nhận được nhiều gói thầu đá ốp lát cho các công trình của tập đoàn và khách hàng lớn, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới như xuất khẩu… Hiện, doanh nghiệp này chưa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020, nhưng vị lãnh đạo này than thở: “Một năm kinh tế buồn”.

Hàng loạt doanh nghiệp đã phải tìm cách chuyển hướng kinh doanh, mở rộng ngành kinh doanh khác cũng như nhanh chóng đưa ra những phương án tự “giải cứu” mình để có thể duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Bình Minh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết