Covid-19 sẽ 'thổi bay' 1.142 tỉ đồng lợi nhuận của Petrolimex

Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và giá dầu giảm sâu đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, Mã: PLX). Ước tính, lợi nhuận năm 2020 của Petrolimex sẽ bị giảm hơn 1.143 tỉ đồng.
IATA: Ngành hàng không có thể mất 25 triệu việc làm do dịch Covid-19'Chao đảo' vì Covid-19, nhiều tập đoàn nhà nước lỗ lớn và hụt thu 27.000 tỉ đồngVì sao vi phạm của lãnh đạo Petrolimex đến mức phải kỷ luật?
Covid-19 sẽ "thổi bay" 1.142 tỉ đồng lợi nhuận của Petrolimex.

Petrolimex hiện là 1 trong 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, Chính phủ đã áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội trong 15 ngày kể từ ngày 1/4, lệnh hạn chế đi lại, tụ tập đông người, tạm dừng giao thông... cùng hàng loạt dịch vụ, du lịch phải tạm dừng hoạt động đã khiến doanh thu của Petrolimex sụt giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Petrolimex còn chịu tác động "kéo" từ biến động giá dầu thế giới lao dốc thảm hại, có thời điểm xuống dưới 20 USD/thùng, khiến tập đoàn liên tục phải giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước xuống mức thấp kỷ lục trong 5 năm qua. Hiện, giá xăng E5 chỉ còn hơn 11.956 đồng/lít, xăng A95 chỉ 12.560 đồng/lít.

Trước những khó khăn chồng chất, Petrolimex ước tính doanh thu quý 1/2020 sụt giảm 1.706 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước (giảm 6%), chỉ đạt 28.449 tỉ đồng và dự kiến sẽ lỗ 572 tỉ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến quý 4 thì doanh thu cả năm 2020 sẽ giảm tới 12.517 tỉ đồng, ước lợi nhuận giảm 1.143 tỉ đồng so với kế hoạch đề ra, số tiền nộp NSNN dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỉ đồng so với kế hoạch.

Đầu tháng 3, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã chấp thuận về nguyên tắc các chỉ tiêu chủ yếu kinh doanh năm 2020 của Petrolimex, gồm: doanh thu toàn Tập đoàn 186.000 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế 5.380 tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước 41.300 tỉ đồng; tỷ suất lợi nhuận (sau thuế)/vốn chủ sở hữu là 15%... Như vậy, lợi nhuận năm nay của tập đoàn sẽ giảm mạnh xuống còn 4.237 tỉ đồng vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo báo cáo của Uỷ ban, hoạt động kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ lớn là do Petrolimex có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý 1/2020, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.

Trong thời gian tới, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều hãng hàng không trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục tạm dừng các chuyến bay quốc tế, hạn chế bay nội địa ở mức tối thiểu, nhu cầu vận tải đường thuỷ đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex.

Qua 5 kỳ điều chỉnh giá gần đây, Petrolimex đã giảm giá bán lẻ xăng RON 95 tổng cộng 8.350 đồng/lít.

Hoạt động kinh doanh của Petrolimex đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng giá dầu thế giới, mà các bên liên quan vẫn chưa đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng dầu thô. Theo MarketWatch, các hợp đồng dầu thô quay đầu giảm mạnh vào ngày 6/4 sau thông tin về cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC và Nga tạm thời hoãn đến ngày 9/4. Cuộc họp này sẽ giúp đạt thỏa thuận ngưng chiến giá dầu, cắt giảm sản lượng nhằm ổn định thị trường năng lượng đang tồn kho quá lớn, giá lao dốc do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do dịch Covid-19. Song tín hiệu cắt giảm sản lượng chưa chắc chắn.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLX đã giảm rất mạnh, có thời điểm xuống chỉ còn 30.000 đồng/CP. Sau nỗ lực hồi phục trong tuần qua do thông tin tích cực về số ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam ít hơn, PLX đã tăng lên mức 38.900 đồng/CP, tương ứng vốn hóa 46.323 tỉ đồng.

Hải Nam
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường