Đặc sản cá nướng Hộ Độ ‘hút’ khách đi đường

Từ sáng tinh mơ đến khi chiều tối trên tỉnh lộ 9, đoạn qua xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), mùi cá nướng thơm phức bốc lên do người dân nơi đây nướng cá ven đường. Những con cá nục nâu óng trên bếp than đỏ rực đã khiến nhiều người đi đường phải nán lại.
Những 'đặc sản' khó quên của mùa thu Hà NộiNhãn 'tiến vua' đua ra thế giớiQuảng Bình: Khảo sát biến "đặc sản gió" thành điện
Cá nục nướng than thơm ngon ngậy mùi tại xã Hộ Độ. (Ảnh: Tiến Đạt)

Truyền thống nướng cá đã có từ hàng chục năm nay ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Những chòi nhỏ được người dân nơi đây dựng ven tỉnh lộ 9, đoạn qua xã Hộ Độ. Nhờ có con đường giao thông huyết mạch nối từ TP.Hà Tĩnh đi xuống Trung tâm huyện Lộc Hà, luôn đông đúc người qua lại đã giúp những hộ dân ở đây có nghề để mưu sinh.

Từ sáng sớm, những gian hàng bắt đầu được mở cửa để chuẩn bị phục vụ khách qua đường, những bếp than đỏ hồng được chủ hàng nhen nhóm để nướng cá tạo khói nghi ngút. Thời điểm chiều muộn là lúc tấp nập nhất, khi mà các gian hàng đã được sắp xếp ngay ngắn, những con cá vàng ươm trên các khay và bếp nướng thơm phức cũng là lúc khiến khách qua đường phải nán lại nhiều nhất.

Người dân nơi đây cho biết, nghề nướng cá khá vất vả, toàn thân lúc nào cũng lấm lem than khói, bụi bặm, nồng nặc mùi cá. Cứ thế hệ này sang thế hệ khác, phụ nữ không đi học, làm ăn xa thì ở quê chung thủy với nghề này để trang trải cuộc sống.

Khách qua đường phải nán lại để thưởng thức món cá nướng thơm ngon của người dân Hộ Độ. (Ảnh: Tiến Đạt)

Theo tìm hiểu của phóng viên, trung bình mỗi sạp cá bán được từ 200 – 300 con cá/ngày; cá ở đây chủ yếu là cá nục biển, mỗi con giá bán từ 25.000 đến 35.000 đồng/con. Những ngày rằm, ngày lễ thì số lượng cá bán được nhiều hơn, lượng khách mua cá chủ yếu là khách qua đường, nhà hàng, khách sạn đặt đưa đi xa để bán.

Chị Quỳnh Trang (một thực khách, trú tại thị xã Kỳ Anh) cho biết, cá nướng ở Hộ Độ chị đã biết đến từ lâu, hôm nay có dịp đi ngang qua nên mua về thưởng thức. “Thấy giá thành rẻ, cá béo, thơm ngon, nên tôi đang dự tính tìm mối nhập về để bán online mặt hàng này”, chị Trang chia sẻ.

Cá sau khi nướng xong được chủ hàng bày bán ven tỉnh lộ 9. (Ảnh: Tiến Đạt)

Theo chị N.N.T, (40 tuổi, chủ một sạp cá tại xã Hộ Độ) cho biết: Để làm ra được món cá nướng ngon, thu hút du khách quả thực không đơn giản chút nào. Những con cá nướng tại đây được đánh bắt ở vùng biển Thạch Kim (Lộc Hà). Sau khi đánh bắt người ta cho vào cấp đông ngay thì mới giữ được con cá tươi xanh. Việc lựa chọn nguyên liệu là cả một nghệ thuật, cá được chọn là những con còn tươi xanh, mơn mởn, thuyền vừa cập bến là phải “đặt hàng” ngay, chậm trễ là mất cơ hội.

Sau khi chọn cá xong, về rã đông, làm sạch ruột, phơi ráo. Sau đó, dùng một que tre xuyên từ đầu đến bụng cá. Cách này giúp nướng cá ngon hơn và giữ cho cá không bị bể nát trong quá trình nướng. Để cá chín đều, trước khi nướng, họ cẩn thận dùng dao khía từng đường nhỏ lên thân cá. Loại cá này thịt dày, béo nên khi nướng lên có mùi thơm ngậy. Đến khi lửa vừa độ, lớp mỡ bên trong da cá chảy ra quện vào thịt cá ăn không khô mà còn rất bùi và béo.

Cá béo, thơm ngon có thể ăn ngay sau khi nướng. (Ảnh: Tiến Đạt)

Ngoài ra, việc nhóm than nướng cá phải duy trì độ nóng ổn định cũng rất quan trọng. Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín, thịt cá ngon thì người nướng phải có kinh nghiệm, lật trở đều tay và thời gian vừa phải. Điều đó thì rất ít người có thể làm được.

Nhờ hương vị đặc trưng, con cá nướng ở Hộ Độ không chỉ bán trong huyện, trong tỉnh mà còn theo ô tô, máy bay đến tận Hà nội, Sài Gòn, Đồng Nai… Những người ăn quen, đi xa về quê lại ghé nơi đây mua về dự trữ ăn dần hay làm quà biếu.

Tiến Đạt - Quỳnh Trang
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết